Không phải đến bàn thắng của Malaysia ở phút 22 mà ngay từ phút thứ 6 đội tuyển Việt Nam đã có thể bị thủng lưới bởi sự lơi lỏng của hàng thủ, nếu thủ môn Nguyên Mạnh không xuất sắc cản phá cú sút của Subramaniam.
Không phải đến bàn thắng của Malaysia ở phút 22 mà ngay từ phút thứ 6 đội tuyển Việt Nam đã có thể bị thủng lưới bởi sự lơi lỏng của hàng thủ, nếu thủ môn Nguyên Mạnh không xuất sắc cản phá cú sút của Subramaniam.
Những lỗ hổng ở hàng phòng ngự đội tuyển Việt Nam khiến HLV Miura đau đầu. |
Chỉ 4 phút sau bàn thua, tỷ số đã có thể nhân đôi khi cả 3 tấm khiên có nhiệm vụ che chắn trước mặt thành: tiền vệ đánh chặn Huy Hùng và cặp trung vệ Phước Tứ - Tiến Thành để Tahala sộc thẳng vào cầu môn. Phút 32, bộ đôi trung vệ lại dâng cao bỏ vị trí một cách khó hiểu để tiền đạo đội bạn thoát xuống. Phút 34, Đinh Tiến Thành để đối phương cướp bóng ngay trong chân cực kỳ nguy hiểm. Phút 36, 5 chiếc áo đỏ chủ nhà lại để bộ đôi Amri - Tahala phối hợp thoải mái với nhau như chốn không người và dứt điểm. Phút 43, hàng phòng ngự lại đặt khung thành nhà trong tình thế “phơi mặt tướng”. 7 tình huống sai sót chết người, quá nhiều trong một hiệp đấu! Chỉ có may mắn và sự vô duyên của các chân sút Malaysia mới tránh cho đội tuyển Việt Nam một thảm bại và đó sẽ là thảm họa khi AFF Cup chỉ còn tính từng ngày.
Những sai lầm mắc lỗi vị trí chệch choạc, lỏng lẻo trong phối hợp bọc lót ở trận thua Palestine tiếp tục lặp lại, thậm chí với tần suất cao hơn; mặc dù HLV Miura đã thay đổi cả 3 vị trí bên cạnh Phước Tứ bằng sự trở lại của những cầu thủ có khả năng phòng ngự tốt nhất. Là hậu vệ duy nhất còn sót lại từ đội hình vô địch AFF Cup 2008, có thừa kinh nghiệm nhưng trung vệ đang khoác áo B.Bình Dương dường như lại thiếu khả năng chỉ huy, phối hợp hàng thủ. Càng ngạc nhiên hơn khi người ta không thấy ông Miura có sự nhắc nhở, điều chỉnh nào trong suốt hiệp I (hoặc nếu có thì thiếu quyết liệt và không hiệu quả) khi những sai lầm, hớ hênh liên tục lặp đi lặp lại. Lỗi ở đây không chỉ hàng thủ mà là cả hệ thống phòng ngự. Do chơi với 3 mũi tấn công thường trực: Hải Anh - Minh Tuấn - Văn Quyết, cộng thêm sự dâng cao của Thành Lương, thực tế tuyến giữa Việt Nam chỉ còn bộ đôi tiền vệ trung tâm Tấn Tài và Huy Hùng phải cáng đáng, quán xuyến cả khu vực giữa sân mênh mông, nên dễ hiểu thường xuyên bị mất trung tuyến, gây áp lực rất lớn lên hàng phòng ngự. Chỉ sang hiệp II, khi Huy Toàn vào thay Minh Tuấn chơi thấp và tham gia hỗ trợ phòng ngự nhiều hơn, nhất là trong thế hơn người, những hạn chế mới được khỏa lấp.
6 năm trước, đội tuyển Việt Nam của HLV Calisto lên ngôi trước tiên nhờ sự chắc chắn của hàng thủ với những lá chắn vững vàng: thủ môn Dương Hồng Sơn; các hậu vệ: Như Thành, Minh Đức, Việt Cường, Quang Thanh (Phước Tứ ngày ấy chỉ là dự bị) mà bằng chứng là thủ môn Hồng Sơn được trao danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải. Trong khi đó, chưa khi nào tuyến phòng ngự của đội tuyển Việt Nam lại mỏng manh, nhợt nhạt, non nớt như hiện tại. Ở vị trí “gác đền” không có thủ môn nào thực sự nổi trội, mang lại niềm tin tuyệt đối. Hậu vệ Đinh Tiến Thành, Ngọc Hải chỉ mới được thử sức ở SEA Games 27 năm rồi, Xuân Thành cũng mới lần đầu lên tuyển, những cái tên còn lại: Thanh Hiền, Huy Cường, Minh Tùng còn non hơn. Không còn thời gian cho bất cứ sự bổ sung, thay đổi nào (việc ông Miura nhất quyết không gọi một cầu thủ nhiều kinh nghiệm là Đình Luật hẳn phải có lý nào đó với phong cách băm bổ của trung vệ này), nên HLV Miura sẽ phải tự xoay xở, vá víu hàng thủ với những con người mà ông có trong tay. Đưa Văn Biển hay Quế Ngọc Hải vào đá trung vệ thay Tiến Thành cũng có thể là một giải pháp “chữa cháy”, nhưng khi ấy khả năng chống bóng bổng trước cầu môn lại là vấn đề.
4 đêm tới sẽ là 4 đêm mất ngủ với nhà cầm quân xứ Phù Tang.
Đông Kha