Chương trình "Chung sức cùng thể thao Việt Nam chinh phục Asiad 17 và Asian Para Games 2014" ngày 30-10 đã tổng kết và trao thưởng cho các VÐV giành huy chương (HC). Kết quả thi đấu tại 2 đại hội thể thao châu lục diễn ra liên tiếp ở Incheon, Hàn Quốc này khiến người ta không khỏi không so sánh.
Chương trình “Chung sức cùng thể thao Việt Nam chinh phục Asiad 17 và Asian Para Games 2014” ngày 30-10 đã tổng kết và trao thưởng cho các VÐV giành huy chương (HC). Kết quả thi đấu tại 2 đại hội thể thao châu lục diễn ra liên tiếp ở Incheon, Hàn Quốc này khiến người ta không khỏi không so sánh.
Ðoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam thi đấu ấn tượng tại Asian Para Games II. |
Asiad 17, đoàn thể thao Việt Nam có gần 200 VÐV, dự tranh 21 môn, chỉ giành đúng 1 ngôi vô địch, đứng thứ 21/37 đoàn có HC. Asian Para Games II, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam chỉ đi 45 VÐV, tức chưa bằng 1/4 về số lượng, tham dự 6/23 môn, nhưng đoạt gấp 9 lần về số HCV (gấp 3 so với 4 năm trước), lần đầu tiên lọt vào tốp 10 châu lục trong 32 đoàn có HC, đặc biệt còn lập 1 kỷ lục thế giới mới và 3 kỷ lục châu Á. Nếu Chương trình bình đẳng về mức thưởng (50, 30, 15 triệu đồng cho HCV, bạc, đồng; thay vì chỉ 20, 15 và 10 triệu đồng đối với VÐV khuyết tật), số tiền thưởng của các VÐV khuyết tật nhận được từ Asian Para Games 2014 lẽ ra phải là 795 triệu đồng (cho 9 HCV, 7 HCB, 13 HCÐ), vượt Asiad 17 (725 triệu đồng cho 1 HCV, 10 HCB, 25 HCÐ).
Vẫn biết mọi sự so sánh là khập khiễng và một chiếc HC ở đấu trường Asiad có giá trị hơn, nhưng về mặt ý nghĩa đều là mang vinh quang về cho Tổ quốc, thậm chí với VÐV người khuyết tật để giành được không chỉ “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mà còn phải chịu đựng cả những đau đớn thể xác, phải có ý chí, nghị lực gấp bội lần so với người lành lặn.
Kỳ tích của những nhà vô địch Asian Para Games 2014: Lê Văn Công (kỷ lục thế giới cử tạ), Võ Thanh Tùng (5 HCV bơi lội), Nguyễn Thành Trung (2 HCV bơi lội), Nguyễn Bình An (cử tạ) là nỗ lực phi thường vô cùng đáng khâm phục; trong sự chăm lo quá khiêm tốn so với các đồng nghiệp dự Asiad được đầu tư khổng lồ với những chuyến tập huấn quanh năm ở nước ngoài. Dù chế độ đãi ngộ đã được cải thiện rất nhiều, nhưng thực tế đa phần đời sống và hoàn cảnh của các VÐV khuyết tật đều hết sức khó khăn. Nhiều người dù khuyết tật nhưng vẫn là trụ cột của gia đình, gánh trên vai gánh nặng mưu sinh, sau một kỳ đại hội lại đối mặt với nỗi lo cơm áo đời thường.
Không khỏi chạnh lòng khi nghe tâm sự của VÐV xuất sắc nhất Asian Para Games 2014 với 5 HCV và 1 kỷ lục châu Á, Võ Thanh Tùng: “Mỗi lần đi thi đấu về là mất việc làm”, cho dù anh là một kỹ sư điện tử.
Ðông Kha