Báo Đồng Nai điện tử
En

Thể lực không phải vì... sức yếu

10:10, 15/10/2014

Chắc chắn nếu các cầu thủ được trang bị và đến với vòng chung kết châu Á với thể lực tốt hơn hay chỉ cần như ở Cúp tứ hùng hồi đầu năm trên sân Thống Nhất (trước những đối thủ châu Âu Tottenham, AS Roma) và tại giải Đông Nam Á (ĐNA) mở rộng mới đây ở Mỹ Đình (với Australia, Nhật Bản), U.19 Việt Nam sẽ không đánh rơi đáng tiếc các cơ hội hòa trước Nhật Bản và chiến thắng trước Trung Quốc.

Chắc chắn nếu các cầu thủ được trang bị và đến với vòng chung kết châu Á với thể lực tốt hơn hay chỉ cần như ở Cúp tứ hùng hồi đầu năm trên sân Thống Nhất (trước những đối thủ châu Âu Tottenham, AS Roma) và tại giải Đông Nam Á (ĐNA) mở rộng mới đây ở Mỹ Đình (với Australia, Nhật Bản), U.19 Việt Nam sẽ không đánh rơi đáng tiếc các cơ hội hòa trước Nhật Bản và chiến thắng trước Trung Quốc. “Bầu” Đức ngạc nhiên không hiểu sao “các cầu thủ chơi một trận cầu dở không thể tưởng tượng được?” trước Hàn Quốc, nhưng không có gì khó hiểu một khi đôi chân các cầu thủ bỗng dưng không còn nghe theo cái đầu, họ sẽ không sao là chính mình. Chính vì không đạt phong độ tốt nhất nên U.19 Việt Nam bị “ngộp” trong trận ra quân. Tiêu biểu là hình ảnh của 2 cầu thủ xuất sắc và có tiếng là dẻo dai nhất: Công Phượng như đeo chì trong chân, liên tục cáu kỉnh với chính mình, còn Xuân Trường bị thay ra chỉ sau hơn 60 phút. Theo trợ lý HLV Dương Minh Ninh, ngay từ trước trận đấu, trong lúc khởi động rất nhiều lần Công Phượng muốn tăng tốc nhưng không sao thoát khỏi sức ỳ, nhiều cầu thủ khác cũng thừa nhận cảm thấy nặng nề ngay từ khi làm nóng. Trận sau, Phượng và Trường có chơi tốt hơn nhưng vẫn không thật sự thanh thoát, sung sức để thể hiện đúng năng lực chơi bóng vốn có. Vấn đề về thể lực càng rõ ràng hơn với 2 bàn thua trước Nhật Bản trong 6 phút bù giờ, đặc biệt là ở 15 phút cuối trận với Trung Quốc. Trong bàn gỡ hòa ở phút 87, U.19 Trung Quốc có đến tổng cộng 13 đường chuyền lên xuống, qua lại trước khi đưa bóng đến chân cầu thủ ghi bàn mà không gặp phải bất kỳ sự ngăn cản nào, bởi các cầu thủ chúng ta không còn sức để đeo bám, tranh cướp.

Nếu không tính toán sai thì cũng chắc chắn U.19 Việt Nam đã không có được “điểm rơi” phong độ tốt nhất ở giải đấu chính đã dày công chuẩn bị suốt hơn 1 năm qua. Có chăng những giải đấu liên tục với thời gian thiếu hợp lý đã làm nhiễu loạn kế hoạch tập luyện, tính toán “điểm rơi”, cũng như vắt kiệt lực các cầu thủ trẻ. Chỉ sau 13 ngày chơi trận chung kết giải U.22 ĐNA, Cúp Quốc vương Brunei với Myanmar, U.19 VN phải tiếp tục tham dự Giải U.19 ĐNA mở rộng với tư cách chủ nhà (trong 13 ngày ấy, các tuyển thủ thuộc Học viện JMG còn phải tất bật cho kỳ thi tốt nghiệp THPT). Rồi từ trận chung kết với Nhật Bản tại Mỹ Đình, thầy trò HLV Graechen cũng chỉ có 26 ngày vừa nghỉ ngơi, vừa ráo riết chạy nước rút cho vòng chung kết U.19 châu Á. Có hẳn 1 năm chuẩn bị sao phải tất bật, dồn dập như vậy? Điều đáng nói ở 2 giải đấu kể trên, Myanmar, Thái Lan, Indonesia hay Nhật Bản đều không sử dụng tất cả lực lượng mà họ mang đến vòng chung kết châu Á (thậm chí U.19 Nhật Bản có đến 14 gương mặt mới), trong khi đó U.19 Việt Nam hầu như “bưng” nguyên xi một đội hình duy nhất chinh chiến hết giải đấu này đến giải đấu khác. Nếu tính chung cả các chuyến tập huấn trong 1 năm qua, U.19 Việt Nam đã thi đấu khoảng 40 trận, điều này rất bổ ích cho việc cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, nhưng đây là một khối lượng rất lớn đối với các cầu thủ trẻ, nếu so sánh một CLB V.League mùa rồi chỉ chơi bằng phân nửa, 22 trận.

Việc HLV Graechen đề nghị có một HLV thể lực riêng cho các học trò (và “bầu” Đức đã đồng ý thuê một chuyên gia Pháp từng làm việc tại Học viện Aspire - Qatar đến HAGL vào tháng 11 tới), chính là sự thừa nhận đây là “vấn đề” của U.19 Việt Nam tại vòng chung kết vừa qua.

Trần Đỗ

 

 

Tin xem nhiều