Chỉ 2 ngày trước khi Asiad 16 Quảng Châu bế mạc, võ sĩ karatedo Lê Bích Phương mới mang về chiếc HCV, cứu đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) khỏi một kỳ Á vận hội trắng tay HCV.
Chỉ 2 ngày trước khi Asiad 16 Quảng Châu bế mạc, võ sĩ karatedo Lê Bích Phương mới mang về chiếc HCV, cứu đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) khỏi một kỳ Á vận hội trắng tay HCV. 4 năm sau, tưởng như sẽ hanh thông khi ngay ngày thi đấu thứ 2, TTVN đã có chiếc HCV của Dương Thúy Vi ở môn wushu, nhưng rồi cơn khát, mỏi mòn chờ đợi vàng lại tái diễn và ở Incheon đã không có một “phép màu Lê Bích Phương” thứ 2, để đoàn TTVN có thể hoàn thành tối thiểu chỉ tiêu.
Phan Thị Hà Thanh (trái) nhận huy chương bạc ở nội dung cầu thăng bằng. Ảnh: T.L |
Trước hết phải ghi nhận và khẳng định, tất cả 199 VĐV tham dự Asiad 16 đã nỗ lực hết mình, thi đấu với tất cả sức lực và năng lực, đội ngũ HLV cũng đã cố gắng hết mức. Đặc biệt có đến 5 môn lần đầu tiên chúng ta đoạt huy chương ở đấu trường Á vận hội: thể dục dụng cụ, bơi lội, đấu kiếm, xe đạp, boxing; đáng chú ý đây tất cả đều là những môn Olympic. Cũng lần đầu tiên một VĐV VN phá kỷ lục Asiad và châu Á (Thạch Kim Tuấn, cử tạ). Tuy nhiên trên bình diện thành tích tổng thể của TTVN tại Asian Games 2014 không thể nói cách nào khác là: thất bại, cho dù các nhà lãnh đạo TT chỉ thừa nhận là “không thành công”.
Làm sao không thất bại khi không chỉ không đạt chỉ tiêu tối thiểu khiêm tốn 2-3 HCV mà đây còn là kỳ Asiad có thành tích thấp nhất của TTVN trong 4 kỳ đại hội 12 năm qua. Nếu 4 năm trước tại Quảng Châu 2010 với 1 HCV, 17 HCB và 15 HCĐ, TTVN đã báo động về sự tụt lùi (so với Busan 2002 có 4 HCV và Doha 2006: 3 HCV); thì ở Incheon 2014 này còn kém hơn khi vẫn “giậm chân tại chỗ” ở chiếc HCV duy nhất và dù hơn 10 HCĐ nhưng lại kém đến 7 chiếc HCB (100 “đồng” cũng không bằng 1 “bạc”, tương tự như vậy đối với “vàng”). Ngoài ra chiếc HCV duy nhất của Dương Thúy Vi tuy vô cùng quý giá, nhưng cần thấy rằng nó giành được trong môn wushu, vốn chỉ là một trong 8 môn TT “dân tộc” của khu vực trong chương trình thi đấu tại Asiad 17 (gồm: wushu, bóng chày, bowling, cricket, kabaddi, karatedo, cầu mây, squash), bên cạnh 20 môn chính thống. Đây là những môn “không bền vững” bởi hoàn toàn “tùy hỷ” vào nước chủ nhà, như: cờ vua, cờ tướng, bida...từng được Trung Quốc “yêu thích” 4 năm trước thì lần này Hàn Quốc lại loại bỏ. Đúng là trên bảng tổng sắp, đoàn TTVN hơn 4 bậc so với Asiad 16, từ vị trí 24 lên 21, nhưng điều đó là vô nghĩa khi tại kỳ Á vận này có thêm 2 quốc gia giành HC (37 so với 35) là Campuchia và Turkmenistan. Quan trọng hơn dù luôn thuộc tốp 3 SEA Games nhưng ra biển lớn châu lục VN chỉ đứng thứ 6 trong các nước Đông Nam Á; sau Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và cả Myanmar.
Thế mà các vị lãnh đạo TT nước nhà vẫn không chấp nhận thất bại, thậm chí lập luận rất... AQ: “Đồng rồi sẽ là bạc, bạc sẽ tiến lên vàng” !? Xin hỏi có chiếc HCB hay HCĐ nào 4 năm trước ở Asiad 16 đổi màu tại Incheon? Ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic, còn lập luận: Nếu tính tổng số HC, TTVN thuộc vào loại tốp (với tổng cộng 36 HC các loại, VN sẽ đứng thứ 12 tại Asiad 17). Hơn ai hết ông thừa biết chẳng có bất kỳ một Đại hội TT lớn, bé nào trên hành tinh này lại tính tổng số HC để xếp hạng và làm thước đo cho trình độ của nền TT một quốc gia?
Một nguyên nhân được lãnh đạo đoàn và các nhà cầm quân đề cập nhiều nhất cho sự “không thành công” ở Asiad 17 những ngày qua là ta đầu tư nhưng các nước còn đầu tư lớn hơn và “trình độ TT phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế của đất nước” như lời trưởng đoàn Lâm Quang Thành giải thích. Vậy lý giải như thế nào về sự thành công của các quốc gia và vùng lãnh thổ có điều kiện kinh tế khó khăn hoặc nhỏ bé hơn so với VN, như: CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ, Myanmar; hay Tajikistan, Sri Lanka và láng giềng Campuchia - những nước cũng giành được 1 HCV? Nhà nước chắc chắn không tiếc, sẵn sàng đầu tư lớn cho những tài năng TT thực sự của đất nước, nhưng tìm kiếm tài năng, đầu tư vào đâu, cho ai, như thế nào là trách nhiệm của ngành TT chứ.
Chấp nhật thất bại không phải là bi quan mà chính là để hướng đến tương lai lạc quan một cách thực tế nhất.
Minh Chung