Thành tích đáng tự hào nhất là có đến 5 môn Olympic giành được những tấm HC lịch sử, lần đầu tiên ở Á vận hội.
Thành tích đáng tự hào nhất là có đến 5 môn Olympic giành được những tấm HC lịch sử, lần đầu tiên ở Á vận hội. Đó là chiếc HCB và 3 HCĐ của Phan Thị Hà Thanh cùng Đinh Phương Thành, Đặng Nam ở môn thể dục dụng cụ; 2 HCĐ của Nguyễn Thị Ánh Viên ở môn bơi lội; 2 HCĐ của Nguyễn Tiến Nhật và đội nam kiếm 3 cạnh môn đấu kiếm; chiếc HCB xe đạp của nữ cua rơ Nguyễn Thị Thật và 2 HCĐ của Lê Thị Bằng, Lừu Thị Duyên ở quyền anh nữ. Lực sĩ Thạch Kim Tuấn tuy không hoàn thành giấc mơ vàng của cử tạ nhưng với việc phá cả kỷ lục Asiad lẫn châu Á là rất đáng biểu dương. Bóng đá cũng làm nên lịch sử với việc lần đầu tiên đội Olympic nam giành ngôi đầu bảng còn tuyển nữ giành hạng 4.
Ở các môn còn lại, chỉ có 2 đội tuyển có thành tích hơn Asiad 16 là bắn súng với 2HCB, 5HCĐ, vượt hơn 2HCĐ, nhưng đây lại là đội tuyển gây thất vọng nhất khi không hoàn thành nhiệm vụ giành ít nhất 1HCV như đăng ký. Wushu cứu đoàn TTVN khi Dương Thúy Vi mang về chiếc HCV duy nhất, nhưng lại mất 3HCB so với Quảng Châu 2010.
Trong các môn thành tích sa sút so với chính mình 4 năm trước, thất bại nặng nề nhất là karatedo khi niềm hy vọng số 1 Nguyễn Hoàng Ngân không thể giữ “vàng” của đàn em Lê Bích Phương. Môn võ từng là niềm tự hào của TTVN tại đấu trường Asiad là taewkondo cũng thất bại khi chỉ giành được 2HCĐ (so với Asiad 16 là 1B, 3Đ). Điền kinh mất 2 HC do Vũ Thị Hương không thể bảo vệ được chiếc HCB 200m và HCĐ 100m. Đua thuyền dù có thêm 2HCĐ nhưng lại mất 1HCB. Tương tự cầu mây cũng “đổi màu ngược” HC từ 1B, 1Đ thành 2Đ.
Có 4 môn đoàn Việt Nam trắng tay là: vật, judo, bắn cung và cầu lông.
Lê Lâm