Kể từ SEA Games 2003 trên sân nhà, qua 6 đại hội liên tiếp thể thao Việt Nam (TTVN) luôn giữ vững vị trí trong "đệ tam anh hào" Đông Nam Á (ĐNÁ), giành tổng cộng 546 HCV, bình quân 91 ngôi vô địch một kỳ (!) Cùng trong khoảng thời gian 12 năm ấy, với 4 kỳ Asiad VN chỉ giành được 9 HCV...
Kể từ SEA Games 2003 trên sân nhà, qua 6 đại hội liên tiếp thể thao Việt Nam (TTVN) luôn giữ vững vị trí trong “đệ tam anh hào” Đông Nam Á (ĐNÁ), giành tổng cộng 546 HCV, bình quân 91 ngôi vô địch một kỳ (!) Cùng trong khoảng thời gian 12 năm ấy, với 4 kỳ Asiad VN chỉ giành được 9 HCV; đặc biệt ở 2 kỳ Asian Games gần nhất, Quảng Châu 2010 và Incheon 2014 đều chỉ có duy nhất 1 HCV, trong khi 1 năm trước đó ở đấu trường khu vực số HCV giành được là 83 (Vientiane, Lào 2009) và 74 (Naypyidaw, Myanmar 2013). So sánh như thế để thấy sự khác biệt giữa 2 sân chơi là lớn đến như thế nào. Tuy nhiên, sự khác biệt mà chúng tôi muốn đề cập là vị trí của TTVN so với chính bạn bè ĐNA ở đấu trường khu vực và khi ra châu lục.
Nỗ lực của Quách Thị Lan (phải) đã không thể làm nên điều bất ngờ tại nội dung 4x400m nữ. Ảnh: T.L |
Luôn trong top 3, thậm chí SEA Games 2009 chúng ta còn đứng thứ nhì, chỉ kém Thái Lan sít sao 3 HCV (82 so với 86). Nhưng chỉ chưa đầy 1 năm sau đến Asiad 2010 với vỏn vẹn 1 HCV, VN chỉ xếp thứ 7 trong các nước ĐNÁ tại Quảng Châu, kém Thái Lan (11 HCV), Malaysia (9), Indonesia, Singapore (4) và cả Philippines (3), Myanmar (2). Đến Incheon lần này nhờ Philippines cũng chỉ giành được 1 HCV và hơn về số HCB (10 so với 3), nên VN nhích lên 1 bậc... thứ 6. Trong khi TTVN tìm đỏ mắt chỉ có 1 HCV wushu, thì Thái Lan gặt hái đến 12 chiếc, vươn lên top 6 toàn đoàn (4 HCV cầu mây, 2 xe đạp, 2 thuyền buồm và taekwondo, golf, bowling, quần vợt, quyền Anh mỗi môn 1 HCV), Malaysia gấp 5 lần VN (2 HCV karatedo, 2 squash, 1 thuyền buồm), Singapore cũng 5 HCV, Indonesia: 4 (2 bóng bàn, 1 điền kinh, 1 wushu), Myanmar cũng có 2 HCV cầu mây, môn mà VN trước đây từng chỉ chịu thua Thái Lan. Không chỉ vậy, tại Asiad 17 quốc gia luôn trong nhóm cuối ở SEA Games là Campuchia cũng giành được ngang bằng số HCV với VN, lại trong môn từng là thế mạnh của chúng ta nhưng lần này chỉ có “đồng” là taekwondo. Nếu tính chung từ khi trở lại đấu trường Á vận hội từ 1982 tại New Delhi đến nay, qua 9 kỳ Asiad trong 32 năm TTVN chỉ giành được tổng cộng 11 HCV, thua cả số HCV của Thái Lan chỉ tại 1 kỳ Asiad này. Tương tự ở đấu trường Olympic, tại London 2012 TTVN cũng đứng sau Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia.
Thế mới biết “ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta”!
***
Có lẽ Trưởng đoàn TTVN Lâm Quang Thành sẵn sàng đổi 74 ngôi vô địch 1 năm trước ở Myanmar chỉ để thêm 1 tấm HCV Asiad ở Icheon. Không khó để giải thích cho nghịch lý ấy, các nước trong khu vực có thể giành ít HC hơn VN ở SEA Games nhưng họ có những VĐV được đầu tư vươn tầm thế giới, châu Á. Ít mà tinh còn hơn nhiều mà không có mũi nhọn.
Có một tâm lý thực tế không ít HLV, VĐV chúng ta chỉ nhắm đến mục tiêu SG mà không có động cơ phấn đấu, tham vọng cao hơn, bởi đấu trường ấy dễ kiếm huy chương (đồng nghĩa với tiền thưởng), có thành tích để báo cáo. Chính vì thế, TTVN là nước “siêng” tổ chức và tham dự các giải ĐNÁ nhất, dù có những giải đấu rất vô thưởng vô phạt, thậm chí chỉ có 3-4 nước tham dự (và cũng không cử lực lượng mạnh nhất). Trong giới, các bộ môn đều biết cái gọi là những giải “vô địch ĐNÁ” ấy chỉ phục vụ mục tiêu “cải thiện” cho HLV, VĐV, chẳng qua không nói ra: “ta chẳng đụng đến người thì người không đụng đến ta”!
Thất bại liên tiếp tại 2 kỳ Asiad cho thấy yêu cầu định hướng lại mục tiêu của TTVN đã trở nên cấp thiết (Thái Lan, Malaysia đã chuyển hướng từ 1 thập niên trước). Đã đến lúc TTVN phải quyết định chọn “miếng giữa làng” hay “sàng xó bếp”; quanh quẩn “tự sướng” ở ao làng, một đại hội TT khu vực mà thế giới chẳng ai quan tâm chú ý, hay dồn nhân lực, vật lực “đóng tàu” ra biển lớn?
Minh Chung