Người hâm mộ đã kỳ vọng, chờ đợi nhiều ở trận bán kết "trong mơ" giữa đội chủ giải U.21 Báo Thanh Niên (gọi tắt U.21) với rất nhiều tuyển thủ Olympic vừa thi đấu ấn tượng tại Asiad 17, cùng các đàn em U.19 HAGL đang là "hiện tượng". Thế nhưng trận đấu chỉ mang đến sự thất vọng về chuyên môn và buồn lòng về tình huynh đệ.
Người hâm mộ đã kỳ vọng, chờ đợi nhiều ở trận bán kết “trong mơ” giữa đội chủ giải U.21 Báo Thanh Niên (gọi tắt U.21) với rất nhiều tuyển thủ Olympic vừa thi đấu ấn tượng tại Asiad 17, cùng các đàn em U.19 HAGL đang là “hiện tượng”. Thế nhưng trận đấu chỉ mang đến sự thất vọng về chuyên môn và buồn lòng về tình huynh đệ.
Công Phượng (áo trắng) sớm có một pha solo vượt qua vòng vây của 3 cầu thủ U.21 Việt Nam. |
Theo HLV Graechen, “Hôm nay chỉ có một đội muốn chơi bóng, đội còn lại không hề muốn chơi”. Thật vậy, ngay nhập cuộc người ta đã thấy U.21 chủ động chơi phòng ngự khi chuyển từ sơ đồ 4-4-2 sang 4-2-3-1 với chỉ duy nhất tiền đạo Ngân Vân Đại và càng về cuối các đàn anh càng lộ rõ mong muốn đưa trận đấu đến chấm 11m luân lưu. Sau trận đấu HLV Phan Công Thìn không ngần ngại thừa nhận: U.21 chấp nhận nằm “kèo dưới”, không dám đẩy cao đội hình và giải thích mình buộc phải làm thế bởi... kém hơn U.19 HAGL (về khả năng kiểm soát bóng). Sự “khiêm tốn” này thật khó hiểu khi U.21 sở hữu dàn cầu thủ có trình độ và dày dạn kinh nghiệm hơn nhiều. Đội chủ giải đã gạt bỏ những gương mặt từng thi đấu thành công tại VCK toàn quốc vừa qua để dành chỗ tăng cường đến 12 tuyển thủ có tên trong danh sách đội tuyển Olympic chuẩn bị và tham dự Asiad 17, trong đó nhiều người từng chinh chiến ở SEA Games 27: thủ môn Văn Công (T&T); hậu vệ Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Mạnh (SLNA); Nguyễn Minh Hải (Hà Nội); các tiền vệ Quách Tân (SHB.ĐN); Phi Sơn, Khắc Ngọc, Sỹ Sâm (SLNA); Hồ Văn Thuận (Hà Nội) và tiền đạo Ngân Văn Đại (Hà Nội), Phạm Văn Thành (T&T). Thậm chí lẽ ra con số này đã là 14 nếu như 2 cầu thủ Thanh Hiền (Đồng Tháp) và Ngọc Thắng (SHB.ĐN) không được HLV Miura gọi bổ sung cho đội tuyển quốc gia. Ngoài ra U.21 còn có 4 gương mặt từng và đang khoác áo U.19 Việt Nam là Tuấn Tài, Phan Văn Long, Lâm Ti Phông, Đức Huy. Một đội hình như vậy mà thi đấu chỉ chăm chăm cầu hòa, canh cánh nỗi lo sợ thua các đàn em kém hơn mình ít nhất đến 2 tuổi (khoảng cách khá lớn về thể chất, kinh nghiệm, tư duy...), thật khó chấp nhận.
Thực tế diễn biến trận đấu hầu như chỉ diễn ra một chiều, trên phần sân của U.21. Các “đàn anh” để mặc “đàn em” kiểm soát bóng để tập trung lùi hết về phòng ngự, “bóp” không gian chơi bóng hầu phá lối chơi của U.19. Lối chơi tiêu cực của đội chủ giải khiến khán giả trên sân phải bất bình, sốt ruột và không có gì ngạc nhiên, tất cả quay sang ủng hộ các “cầu thủ nhỏ”. Suốt 90 phút, U.21 chỉ tạo ra được đúng 2 cơ hội chia đều mỗi hiệp. Thầy trò HLV Phan Công Thìn đã được toại nguyện với kết quả 0-0 sau 2 hiệp chính thức nhưng phải trả giá cho sự lựa chọn của chính mình, khi ở loạt đấu cân não 11m các “đàn anh” lại là người mang nặng tâm lý sợ thua hơn.
Có thể nói trước khi thua U.19 HAGL, các cầu thủ U.21 đã thua chính mình vì sự thiếu tự tin và cả lòng tự tôn, fair play khi họ dùng lối chơi rắn để đối phó, ngăn chặn lối chơi kỹ thuật của các “đàn em”. Theo thống kê của chúng tôi, U.21 có đến 16 pha phạm lỗi (trong đó hầu hết là cố tình), nhận 3 thẻ vàng; trong khi con số này của U.19 chỉ là 4 và 0. Cách tiếp cận trận đấu của U.21 hoàn toàn đi ngược với 2 tấm băng-rôn rất hay của Hội CĐV Việt Nam: “Chúng ta là anh em một nhà. Thắng thua là chuyện bình thường”, “Gà cùng một mẹ, hãy thi đấu đẹp, vì người hâm mộ”.
HLV Phan Công Thìn và các học trò có thể đã giữ được “sĩ diện” vì...“chỉ” thua “đàn em” do “thiếu may mắn trong sút luân lưu”, nhưng không thể phủ nhận thực tế từ những thông số: toàn trận họ chỉ thực hiện được 2 cú sút, trong khi U.19 là 11; nếu thủ môn Văn Công phải 6 lần cản phá và chịu đến 8 quả phạt góc, thì Văn Tiến hầu như “thất nghiệp” với chỉ 1 lần phải vất vả và 1 quả phạt góc. Rõ hơn tất cả là tình cảm thể hiện trên khán đài sân Cần Thơ.
Đông Kha