Báo Đồng Nai điện tử
En

Không phải vàng... mà quý như vàng

10:10, 01/10/2014

Đó là những chiếc huy chương (HC) lịch sử lần đầu tiên thể thao Việt Nam (TTVN) giành được tại Á vận hội, nhiều chiếc trong số đó là bất ngờ, hoàn toàn ngoài trông đợi.

Đó là những chiếc huy chương (HC) lịch sử lần đầu tiên thể thao Việt Nam (TTVN) giành được tại Á vận hội, nhiều chiếc trong số đó là bất ngờ, hoàn toàn ngoài trông đợi.

Cô gái 23 tuổi Phan Thị Hà Thanh đã bổ sung vào bộ sưu tập đồ sộ của mình (SEA Games, châu Á, Cúp thế giới...) 2 chiếc HC Asiad. Thậm chí tấm HC Á vận hội đầu tiên của thể dục dụng cụ VN lẽ ra phải là bạc chứ không phải đồng, nếu các trọng tài không có chút ưu ái cho kỳ Asiad cuối cùng của “lão tướng” 39 tuổi người Uzbekistan Chusovitina (từng giành 1HCV, 1HCB Olympic) ở nội dung nhảy chống. Tuy nhiên, chỉ 24 giờ sau, Hà Thanh cũng hoàn thành tâm nguyện khi xuất sắc đổi màu HC ở nội dung cầu thăng bằng, sau khi vượt qua đối thủ đến từ cường quốc thế giới thể dục dụng cụ Trung Quốc, chỉ xếp sau VĐV CHDCND Triều Tiên.

Thu Thảo đạt thành tích tốt ở 5 trong số 6 lần nhảy, trong đó lần thứ ba đạt thông số tốt nhất là 6,44 m.  Ảnh: GETTY IMAGES
Thu Thảo đạt thành tích tốt ở 5 trong số 6 lần nhảy, trong đó lần thứ ba đạt thông số tốt nhất là 6,44 m. Ảnh: GETTY IMAGES

2 chiếc HCĐ của nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên cũng là lịch sử của bơi lội VN. Ở nội dung 400m hỗn hợp, Ánh Viên suýt chút nữa đã không vượt qua được vòng loại nên trong đợt thi chung kết bị xếp ở đường bơi số 1, đường bơi tách biệt với các đối thủ dành cho VĐV có thành tích thấp nhất, không có khả năng tranh chấp HC. Tuy nhiên, nữ thượng úy 18 tuổi VN đã xuất sắc đạt thành tích tốt nhất từ trước đến nay (4’39”65, vượt thành tích mà Ánh Viên giành HCV SEA Games 27 đến 7 giây) để chạm đích ở vị trí thứ 3, chỉ sau nhà vô địch thế giới Ye Shiwen (Trung Quốc) và một kình ngư Nhật Bản, mang về chiếc HC đầu tiên cho TTVN trên đường đua xanh Á vận hội. Chiếc HCĐ thứ 2 tiếp tục cho thấy nghị lực phi thường của cô gái Cần Thơ. Hy sinh nội dung sở trường 200m hỗn hợp để dồn sức cho cự ly 200m ngửa, nhưng trong đợt bơi chung kết sau khi xuất phát, Ánh Viên đã bị bỏ lại rất xa. Tuy nhiên, bằng nước rút thần tốc ở 50m cuối cùng, tên cô đã hiện lên trên bảng điện tử ở vị trí thứ 3.

Sau ngày thi đấu thứ 11 của Asiad 17, trong các nước Đông Nam Á, VN vẫn chỉ có 1HCV, Thái Lan đã giành tới 9HCV; Malaysia, Singapore: cùng 4HCV; Indonesia: 3 và Myanmar: 2. Philippines cũng đã có 1HCV. Thậm chí vùng lãnh thổ nhỏ bé Hong Kong, Trung Quốc đã giành được 6HCV.

Nếu 2 tấm HC lịch sử của bơi lội VN có giá đầu tư khoảng 200 ngàn USD và cả năm ăn tập ở Mỹ, thì 2 chiếc HCĐ Asiad quyền Anh nữ đầu tiên của Lừu Thị Duyên và Lê Thị Bằng lại gần như là nỗ lực tự thân của thầy trò khi chỉ quanh quẩn tập luyện, thi đấu trong nước, bởi boxing không được coi là môn trọng điểm, không có khả năng đoạt HC để được đầu tư. Tương tự, không phải là chiếc HCB Asiad đầu tiên của điền kinh, nhưng thành quả của VĐV nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo cũng là ngoài dự đoán. Thậm chí, Thu Thảo suýt nữa đã làm nên kỳ tích khi thành tích 6,44m của cô dẫn đầu tận cho đến trước lượt nhảy cuối cùng, trước khi VĐV Indonesia có cú nhảy xuất thần 6,55 m ở lượt thứ 6 khiến Thảo mất HCV trong gang tấc.

Cử tạ VN từng có HCB Asiad (Doha 2006) và cả Olympic (Bắc Kinh 2008) của Hoàng Anh Tuấn, nhưng chiếc HCB của Thạch Kim Tuấn vẫn xứng đáng có giá trị như vàng khi anh phá cả kỷ lục Asiad lẫn châu Á ở nội dung cử giật.

Lê Lâm (từ Incheon)

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều