Trận chung kết bóng đá (BĐ) nam Asiad 17 giữa Olympic Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên diễn ra trong thế giằng co, căng thẳng, có lúc hết sức nóng bỏng (2 lần trọng tại phải dừng trận đấu để làm nguội những cái đầu nóng của đôi bên).
Trận chung kết bóng đá (BĐ) nam Asiad 17 giữa Olympic Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên diễn ra trong thế giằng co, căng thẳng, có lúc hết sức nóng bỏng (2 lần trọng tại phải dừng trận đấu để làm nguội những cái đầu nóng của đôi bên). Những tưởng lịch sử trận chung kết Asiad lần thứ 8 tại Bangkok (Thái Lan), 36 năm trước (hòa 0-0 sau 120 phút đấu) sẽ lập lại, nhưng bàn thắng của Rim Chang-woo ở phút 120+1 đã mang về chiếc HCV cho chủ nhà miền Nam. Một kết quả xứng đáng cho Hàn Quốc không chỉ trong trận chung kết họ chơi lấn lướt hơn người anh em miền Bắc, mà còn cả giải khi dù thành phần thuần túy là tuyển Olympic, không cần đến 1 tuyển thủ quốc gia nào, nhưng Hàn Quốc là đội duy nhất chiến thắng tuyệt đối và không một lần thủng lưới (ghi 13 bàn). Chiếc HCV Incheon 2014 đã đưa Hàn Quốc sánh ngang Iran, trở thành nền BĐ giàu thành tích nhất tại đấu trường Asiad với 4 lần vô địch. Mất chân sút số 1 Jong Il-gwan do chiếc thẻ đỏ ở bán kết đã ảnh hưởng đáng kể đến sức mạnh tấn công của Triều Tiên trong trận chung kết, tuy nhiên với việc cả 2 đội nam, nữ đều vào đến trận cuối cùng và giành 1 HCV, 1 HCB, đây là kỳ Á vận hội thành công nhất của BĐ Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, như một lời nguyền về chiếc huy chương BĐ Asiad, lần thứ 4 Thái Lan không thể xóa cái dớp ở trận tranh HCĐ cho dù đối thủ lần này là một đội bóng Tây Á-Iraq (3 lần trước đều trước đại diện Đông Bắc Á: thua 0-1 Hàn Quốc ở Bắc Kinh 1990, 0-3 trước Trung Quốc ở Asiad 1998 trên sân nhà và lại cùng tỷ số trước Hàn Quốc ở Busan 2002). Dù vậy, việc vào đến bán kết, đánh bại cả Trung Quốc, Jordan và chỉ chịu thua 0-1 đội bóng có hàng công mạnh nhất giải (Iraq ghi tổng cộng 18 bàn), cùng một lối chơi ấn tượng, hiện đại, đội quân HLV Kiatisuk vẫn chứng tỏ là nền BĐ số 1 Đông Nam Á.
Trần Đỗ