Ngay từ khi có kết quả bốc thăm không may rơi vào bảng "tử thần" với 3 đối thủ quá mạnh cùng đến từ Đông Bắc Á, người ta đã sớm thấy U.19 Việt Nam không có "cửa" đi tiếp.
Ngay từ khi có kết quả bốc thăm không may rơi vào bảng “tử thần” với 3 đối thủ quá mạnh cùng đến từ Đông Bắc Á, người ta đã sớm thấy U.19 Việt Nam không có “cửa” đi tiếp. Vì vậy, không thể nói kết quả ở vòng chung kết U.19 châu Á vừa qua là thất bại, nhất là khi 2 trận cuối các cầu thủ trẻ chúng ta đã khiến Nhật phải thực sự hốt hoảng sau bàn gỡ và suýt dạy cho Trung Quốc bài học. Cục diện vòng bảng cho thấy, nếu được ở bất kỳ bảng nào trong 3 bảng còn lại (như bảng A của Thái Lan và Myanmar chẳng hạn), hoặc chỉ có sự hiện diện của một trong 2 đội Hàn Quốc, Nhật Bản thôi thì hôm nay U.19 Việt Nam vẫn còn ở Myanmar, và biết đâu giấc mơ giành vé dự World Cup U.20 sẽ trở thành hiện thực.
Chỉ tiếc màn thể hiện và nỗ lực của thầy trò HLV Graechen bị một vết gợn ngay bước đầu tiên: thất bại gây sốc 0-6 trước Hàn Quốc. Vỡ trận, bỗng nhiên không còn là chính mình, như mang chân người khác là “tai nạn” vẫn thường xảy ra trong bóng đá. Nhưng nguyên nhân vì sao lại dẫn đến “hội chứng tâm lý” ấy thì “người lớn” phải tìm ra, phân tích cặn kẽ để tránh lặp lại cho các em trong tương lai. Ngoài vấn đề về thể lực mà chúng tôi đã đề cập, có một nguyên nhân mà ít người quan tâm chú ý, đó là các cầu thủ bị phân tâm quá nhiều bởi những lý do phi chuyên môn. Trước ngày lên đường là chuyện13 tuyển thủ dự lễ khai giảng đại học, một việc hết sức bình thường nhưng được giới truyền thông và chính nhà trường biến thành sự kiện “showbiz” đình đám. Một ngày trước trận ra quân bao giờ cũng mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng, lẽ ra các cầu thủ cần sự tĩnh tâm, tập trung tuyệt đối thì buổi sáng hết ông phó chủ tịch VFF gặp gỡ động viên, đến chiều lại “bầu” Đức dặn dò. Tai hại hơn họ còn mang đến món quà, bộ sách Học viện bóng đá mà các cầu thủ U.19 chính là những nhân vật chính. Tưởng như đây sẽ là nguồn động viên, khích lệ thêm tinh thần các cầu thủ, nhưng các lãnh đạo không biết rằng sự hưng phấn quá mức (từ việc đọc truyện tô vẽ chính mình) có thể dẫn đến trằn trọc mất ngủ, lại là ngay đêm trước trận đấu.
Một tính toán “lợi bất cập hại” tai hại khác, để tranh thủ báo chí phục vụ cho việc PR, tại Nay Pyi Taw giới truyền thông (được HAGL và nhà tài trợ Nutifood đài thọ) được bố trí ở cùng một khách sạn với các cầu thủ, thậm chí đi chung xe buýt ra sân tập, thi đấu... Đây là điều mà không một đội bóng nào đi thi đấu quốc tế lại làm như vậy, thậm chí họ luôn tìm một nơi trú quân càng cách biệt giới truyền thông càng tốt hầu tránh sự làm phiền, ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của cầu thủ (cho dù là phóng viên “nhà” thì do đặc thù và sự cạnh tranh nghề nghiệp, các báo, đài phải luôn tìm mọi cách để săn tin).
“Bầu” Đức từng nhiều lần bày tỏ mối lo lớn nhất là sợ dư luận, giới truyền thông làm “hư”, khiến lứa cầu thủ U.19 sớm tự mãn, tự kiêu; nhưng xem ra chính sự kỳ vọng, chăm bẵm thái quá của ông và VFF lại là mống mấm gieo bệnh “sao” cho các em. Hãy để các em làm người thường! Mọi sự nôn nóng đốt cháy giai đoạn, không tuân thủ quy luật phát triển tự nhiên, luôn mang lại kết quả phản tác dụng. Sắp tới, những cái tên U.19 sẽ gia nhập môi trường V.League, một sự ưu ái, đối xử đặc biệt nào đó (từ CLB, VFF, báo chí...) hoặc biến HAGL thành nhân vật trung tâm, sẽ chỉ khiến các cầu thủ trẻ thành đối tượng đố kỵ, triệt hạ nơi các đối thủ đàn anh.
Đông Kha