Có lẽ ám ảnh và sức ép từ thất bại ở 2 trận chung kết và 2 lần gặp gỡ U.19 Nhật Bản liên tiếp đã khiến HLV Graechen cho các học trò chơi quá e dè, thận trọng.
Có lẽ ám ảnh và sức ép từ thất bại ở 2 trận chung kết và 2 lần gặp gỡ U.19 Nhật Bản liên tiếp đã khiến HLV Graechen cho các học trò chơi quá e dè, thận trọng.
Một hình ảnh U.19 Việt Nam (VN) phòng ngự phản công hết sức xa lạ, đi ngược cả với triết lý đào tạo luôn lấy tấn công làm trọng của “lò” HAGL Arsenal JMG do chính ông thầy người Pháp theo đuổi, truyền đạt trong suốt 7 năm qua.
Điều này có nghĩa U.19 VN từ bỏ sở trường để dùng sở đoản và các cầu thủ đã không thể thích ứng, thay đổi thói quen chơi bóng vốn đã trở thành bản năng, chỉ trong một trận đấu. Cũng có lẽ rút kinh nghiệm từ trận thua ngược Nhật Bản ở vòng bảng do sa sút về thể lực (thua liền 2 bàn trong 10 phút cuối), nên ý đồ của ông Graechen là đá chắc chắn giữ sức ở hiệp I, rồi mới bung lên ở hiệp II. Nhưng phía bên kia, HLV Masakazu cũng tính toán đúng như vậy, có điều với sự khôn ngoan, hợp lý và bản lĩnh hơn. Việc dụng binh của HLV Graechen cũng cho thấy không cao tay bằng người đồng nhiệm cao niên bên kia chiến tuyến. Nếu ông Masakazu gây bất ngờ bằng việc thay 5 vị trí chính thức, trong đó có cả mũi nhọn chơi ấn tượng nhất trong các trận trước đó và đã ghi 3 bàn thắng là Okugawa Masaya (16), thì đội chủ nhà không có bất kỳ sự thay đổi nào để tạo đột biến so với trận bán kết vốn đã phơi bày...hơn 100% sức mạnh (ngoài duy nhất một điều chỉnh bắt buộc, Anh Thi đá chính ở vị trí hậu vệ phải vì Văn Sơn không đảm bảo sức khỏe).
Dù Văn Toàn rất ăn ý với Công Phượng và tỏa sáng ghi bàn ở cả 2 trận đấu trước đó, nhưng theo chúng tôi, để tiền đạo Tuấn Tài xuất phát ngay từ đầu ở trận chung kết sẽ là phương án hay hơn. Bởi nếu sự phối hợp giữa Công Phượng và Văn Toàn chắc chắn đã được người Nhật nghiên cứu rất kỹ thì Tuấn Tài là nhân tố còn hoàn toàn xa lạ (trong trận gặp nhau ở vòng bảng anh chỉ vào sân thay người vào cuối trận), sẽ ít nhiều khiến họ phải lúng túng. Hơn nữa, chân sút của U.19 SLNA mới nổi từ giải đấu trên đất Brunei này tuy không khéo léo bằng Văn Toàn, nhưng sức mạnh và tốc độ hơn hẳn, sẽ gây khó khăn, vất vả hơn cho hàng thủ vốn cũng chơi sức mạnh của U.19 Nhật Bản. Phải đến 10 phút cuối trận, Tuấn Tài mới vào sân để cùng Văn Toàn chuyển sang chơi 2 tiền đạo, nhưng cũng y như trận gặp nhau 4 ngày trước, mọi sự đã quá muộn. Trong khi trước đó ở phút 60, ông Graechen lại đưa một cầu thủ SLNA còn chưa chứng minh được khả năng là Phan Văn Đức vào thay tiền vệ giàu chất đột biến Quang Hải và cầu thủ này hầu như không để tạo được dấu ấn nào (?). Ngược lại phía U.19 Nhật Bản, chỉ 4 phút sau khi vào sân thay người, Genta đã có bàn thắng duy nhất mang về chức vô địch.
Nguyên nhân thứ 2 hoàn toàn có thể được chia sẻ và cảm thông. Trong khi đối thủ thong dong, không mất quá nhiều sức trên đường đến trận cuối cùng, thì U.19 VN hầu như đã rã rời về thể chất. Có vẻ như tất cả sức lực và những gì tinh túy nhất họ đã vắt kiệt, trút hết trong trận bán kết thăng hoa với Myanmar. Trong 2 trụ cột thì trung vệ Đông Triều phải cắn răng, nén đau vì chấn thương trong gần 80 phút có mặt trên sân, còn Công Phượng liên tục bị bầm dập bởi đối phương đặc biệt “chăm sóc” trong các trận trước đó, đã không còn sự thanh thoát, tươi mát để có những phút xuất thần. Hầu như tất cả các cầu thủ trẻ của chúng ta đều bước vào trận chung kết với những vết thương và thể lực suy kiệt khi đã phải gồng mình, bung sức quá lớn ở cả 3 trận trước đó.
Cuối cùng là bản lĩnh, đẳng cấp của U.19 Nhật Bản. Không hoa mỹ, tấn công ào ạt, đội quân của HLV Masakazu chơi rất thực dụng, kỷ luật và hợp lý. Không chỉ “tỉnh bơ” trước sức ép khủng khiếp của 4 vạn CĐV chủ nhà mà các cầu thủ trẻ Nhật còn kiểm soát thế trận chặt chẽ, tốt đến mức không để cho các cầu thủ U.19 VN có cơ hội, đất diễn nào. Công Phượng hoàn toàn bị khắc chế, cô lập và chia cắt với Văn Toàn. Đặc biệt 2 “lá phổi” quan trọng nhất của U.19 VN, cặp tiền vệ trung tâm Tuấn Anh - Đông Triều hoàn toàn bị vô hiệu hóa, kể cả những cơ hội dứt điểm từ xa. 2 thất bại trước Nhật trong vòng 4 ngày, đó là khoảng cách đẳng cấp của 2 nền bóng đá!
Trần Đỗ