Trở lại với đấu trường khu vực từ năm 1989 ở SEA Games 15, nhưng 7 năm trước đó, thể thao Việt Nam đã góp mặt tại Á vận hội 1982 ở New Delhi (Ấn Độ) và VĐV bắn súng Nguyễn Quốc Cường đi vào lịch sử khi giành chiếc HCĐ Asiad đầu tiên và duy nhất.
Trở lại với đấu trường khu vực từ năm 1989 ở SEA Games 15, nhưng 7 năm trước đó, thể thao Việt Nam đã góp mặt tại Á vận hội 1982 ở New Delhi (Ấn Độ) và VĐV bắn súng Nguyễn Quốc Cường đi vào lịch sử khi giành chiếc HCĐ Asiad đầu tiên và duy nhất. Chỉ với một chiếc HCĐ này thôi đã giúp Việt Nam xếp đồng hạng 18 trong 33 quốc gia tham dự. Nhưng phải 8 năm sau với 2 kỳ đại hội, thể thao Việt Nam mới lại trở lại đấu trường châu lục tại Asiad 1990 tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Nhờ sự tạo điều kiện của nước chủ nhà nên đoàn thể thao Việt Nam lần này rất hùng hậu với 104 VĐV, HLV, quan chức tham dự 13 môn, nhưng kết quả thành tích là con số 0 tròn trịa. Tại Á vận hội 1994 ở Hiroshima (Nhật Bản), võ sĩ taekwondo Trần Quang Hạ trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên trong lịch sử giành HCV Asiad (hạng cân 58kg), karatedo cũng lập công với 2 chiếc HCB của Phạm Hồng Hà và Trần Văn Thông. Chung cuộc xếp thứ 19/29 đoàn có HC và 43 quốc gia tham dự. 4 năm sau tại Asiad 1998 ở Bangkok (Thái Lan) ngoài việc Hồ Nhất Thống bảo vệ được chiếc HCV của taekwondo, đoàn thể thao Việt Nam cho thấy bước tiến mạnh mẽ với thêm 5 HCB (cầu mây, taekwondo, karatedo, wushu) và 11 HCĐ; xếp thứ 22/29 đoàn có HC và 41 quốc gia tham dự. Asiad 2002 tại Busan (Hàn Quốc) thực sự đánh dấu bước tiến vượt bậc khi đoàn thể thao Việt Nam lần đầu tiên giành được tới 4 HCV (Trần Đình Hòa - bida; Vũ Kim Anh, Nguyễn Trọng Bảo Ngọc - karatedo và Lý Đức - thể hình), cùng 7 HCB và 7 HCĐ. Cũng lần đầu tiên thể thao Việt Nam lọt vào top 15 châu lục trên 36 đoàn có HC và 44 quốc gia tham dự. Đây là thành tích và thứ hạng cao nhất trong lịch sử tham dự Á vận hội của thể thao Việt Nam.
Tuy nhiên, sau cột mốc ấy là quá trình đi xuống, trong 2 kỳ Asiad gần đây thể thao Việt Nam luôn tụt lùi “năm sau cao hơn năm trước”. Nếu ở Asian Games 2006 tại Doha (Qatar), Việt Nam còn giành được 3 HCV (2 cầu mây và 1 karatedo), 13 HCB và 7 HCĐ, đứng thứ 19; thì tại Asiad 2010 ở Quảng Châu (Trung Quốc), dù giành tới 17 HCB, 15 HCĐ, nhưng đoàn thể thao Việt Nam phải trải qua “cơn khát vàng” cho đến tận phút chót, với cứu tinh là võ sĩ trẻ karatedo Lê Bích Phương. Chỉ với 1 chiếc HCV duy nhất này, VN tụt xuống thứ 26/34 đoàn có HC, xếp dưới cả nước Đông Nam Á: Thái Lan (7 HCV - hạng 9), Malaysia (6-10), Indonesia (4-13), Singapore (4-14) và Philippines (2-16).
Trần Đỗ