Sau 15 ngày, màn 1, màn dài nhất của Brasil 2014 (với 32 diễn viên, 48/62 trận) chính thức khép lại. Ấn tượng gì từ hàng ghế khán giả?
Sau 15 ngày, màn 1, màn dài nhất của Brasil 2014 (với 32 diễn viên, 48/62 trận) chính thức khép lại. Ấn tượng gì từ hàng ghế khán giả?
* Bàn thắng
Nếu nói bàn thắng là yếu tố hấp dẫn nhất thì Brasil 2014 đã làm mãn nhãn. Có tổng cộng 136 bàn thắng được ghi, bình quân 2,8 bàn/trận, cao hơn cả 3 kỳ World Cup gần nhất (con số tương ứng của World Cup 2010 là: 101 - 2,1, 2006: 117 - 2,43, 2002: 130 - 2,7 và 1998 là 126 - 2,62). 3 trận có nhiều bàn thắng nhất là: Pháp - Thụy Sĩ 5-2, Hà Lan - TBN 5-1, Algeria - Hàn Quốc 4-2. Dẫn đầu về số bàn thắng sau vòng bảng là Hà Lan với 10 pha lập công. Nếu cả 2 VCK World Cup gần nhất, thành tích của vua phá lưới (Muller và Klose) là 5 bàn, thì mới qua 3 trận, đã có đến 3 chân sút Muller, Messi và Neymar ghi được 4 bàn; 6 cái tên có 3 bàn, trong đó đã có 2 hat-trick.
* Bất ngờ
Không có “quả bom” gây sốc thực sự nào. “Cơn địa chấn” ĐKVĐ TBN bị loại chỉ sau 2 trận ra quân chỉ là kết thúc của một chu kỳ, mà 6 năm đã là vượt mức bình thường. Bất ngờ nếu có là cú “ngựa về ngược” vào giờ chót của Hy Lạp để qua mặt Bờ Biển Ngà. Còn hiện tượng thú vị nhất thuộc về Costa Rica, ứng viên “lót đường” nhưng đã vượt qua cả Uruguay, Italia, Anh để đứng đầu bảng D tử thần.
* Châu Mỹ được mùa, Châu Âu thất bát
Do Brasil là nước chủ nhà nên khu vực Nam Mỹ có đến 6 đại diện và 5 trong số đó tiếp tục có mặt ở vòng 2 (đội duy nhất bị loại là Ecuador). Tương tự 4/5 đại diện CONCACAF (Bắc, Trung Mỹ), trừ Honduras, đều đi tiếp. Tính chung BĐ châu Mỹ chiếm đến 9/16 vé vào vòng 2. Trong khi đó, dù là khu vực được giành nhiều suất nhất ở VCK với 13 đại diện, nhưng sau vòng bảng, châu Âu chỉ còn 5 cái tên sống sót: Hà Lan, Hy Lạp, Đức, Bỉ, Pháp. Trong số 8 đội phải về nhà, có đến 4 ĐT đang ngự trong top 10 thế giới: TBN, BĐN, Italia và Anh, nhưng gây tiếc nuối lại là Bosnia và Croatia. Dù châu Âu đang dẫn với 10/19 chức VĐ World Cup nhưng trong quá khứ chưa có một ĐT của cựu lục địa nào đăng quang trên đất Mỹ châu, do sự khác biệt về điều kiện thời tiết, khí hậu, đặc biệt là độ ẩm. Cả lịch sử và địa lý đang chống lại BĐ châu Âu ở Brasil 2014.
* Lối chơi và dấu ấn cá nhân
Chưa thấy có cuộc cách tân, mới mẻ nào về chiến thuật, chủ yếu vẫn là những biến thể của các sơ đồ 3-5-2, 5-3-2, 4-2-3-1, 4-3-2-1 hay 4-1-4-1... Gây ấn tượng nhất về lối chơi là ĐT Đức với sự pha trộn giữa chất German cổ điển và tiqui-taka, cùng cách vận hành rất linh hoạt trong lối chơi tiền đạo ảo. Hà Lan lại là hình mẫu của BĐ phản công chớp nhoáng không cần cầu nối và sự sáng tạo của các tiền vệ.
Trong bối cảnh chiến thuật gần như “bão hòa” ấy, thành công của các đội mang đậm dấu ấn cá nhân. Không có Neymar, Brasil sẽ chỉ là ĐT rất thường. Chưa thật sự xuất sắc, nhưng Messi vẫn một mình mang về 3 trận toàn thắng cho Argentina. Phong độ và sự tỏa sáng đều đặn của 2 ngôi sao được kỳ vọng nhất ở kỳ World Cup này thực sự là một điều rất đáng mừng. Cần nhớ cả 2 kỳ World Cup trước, Messsi chỉ có 1 bàn thắng duy nhất, còn Neymar đây mới là World Cup đầu tiên và anh chỉ mới 22 tuổi. Những cá nhân sớm ghi dấu ấn cá nhân khác phải kể đến: Robben, van Persie (Hà Lan), Mueller (Đức), Shaqiri (Thụy Sĩ), Benzema (Pháp), Hazard (Bỉ) và đặc biệt là James Rodriguez (Colombia) - một số 10 sẽ bước ra sân khấu lớn sau World Cup này.
Ở chiều ngược lại, gây thất vọng hẳn nhiên là “Quả bóng vàng” Ronaldo, cả “dải thiên hà” những nhà VĐTG TBN và... bệnh “ngứa răng” của Suarez.
Đông Kha