Trong một bài viết trước trận play-off quyết định với Thái Lan ở vòng chung kết Asian Cup nữ 2014, Báo Đồng Nai từng nhận định, tâm lý ở trận đấu này là cực kỳ quan trọng.
Trong một bài viết trước trận play-off quyết định với Thái Lan ở vòng chung kết Asian Cup nữ 2014, Báo Đồng Nai từng nhận định, tâm lý ở trận đấu này là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, chúng tôi lại không đồng tình với giải thích sau trận đấu của HLV Trần Vân Phát, cho rằng đội tuyển (ĐT) nữ Việt Nam (VN) bị tâm lý nên không thể hiện được đúng sức mình.
Những giọt nước mắt của Kim Hồng sẽ là ký ức hằn sâu trong tâm trí người hâm mộ. |
Lâu nay, cái gọi là “vấn đề tâm lý” luôn được xem như cứu cánh biện minh, bào chữa cho những thất bại “không thể giải thích” của bóng đá VN. Từ trận chung kết Tiger Cup 1998 trên sân Hàng Đẫy trước Singapore, đến những cuộc đối đầu với người Thái ở nửa cuối thập niên 90 của thế kỷ trước và những năm đầu thế kỷ này. Với bóng đá nữ thì thất bại ở trận chung kết SEA Games 27 (trên sân trung lập Myanmar) là vì… sức ép của nhà đương kim vô địch, còn cú trượt chân ở Asian Cup là do…sự kỳ vọng World Cup quá lớn (?!?). “Tâm lý”… là tâm lý nào? Phải chăng việc bỏ công sức vận động, tiền của tổ chức để đưa vòng chung kết Asian Cup nữ 2014 về sân nhà (điều mà cả Thái Lan và Myanmar đều cũng mong muốn) là phản tác dụng? Chẳng lẽ nên kêu gọi các CĐV đến sân ít thôi, cổ vũ bớt nhiệt đi, báo chí đừng nói đến “giấc mơ lịch sử” để các cầu thủ khỏi… “bị tâm lý”.
Không thể lấy lý do tâm lý để “đổ thừa” cho mọi sai lầm, thất bại. Trong quá khứ, ĐT nữ VN thế hệ Kim Hồng (thủ môn), Ngọc Mai… từng thể hiện một bản lĩnh, ý chí tuyệt vời trong trận chung kết SEA Games 2003 với Myanmar mà sức ép trên sân nhà từ sự kỳ vọng của gần 3 vạn khán giả chật cứng sân Lạch Tray còn lớn hơn gấp bội. Với chính lứa tuyển thủ nữ hiện tại của HLV Trần Vân Phát, không ít lần họ đã chứng tỏ sự vững vàng về mặt tâm lý, đó là loạt sút luân lưu 11m trong trận chung kết SEA Games 2009 mà Thái Lan mới chính là đội “bị tâm lý” khi sút hỏng tất cả và VN sớm giành thắng lợi 3-0, gần hơn là trận chung kết Giải Đông Nam Á 2012 diễn ra cũng chính trên sân Thống Nhất, những Kim Hồng, Minh Nguyệt, Kiều Trinh… đăng quang sau 120 phút đấu và loạt sút luân lưu nghẹt thở. Trở lại với trận play-off ở vòng chung kết Asian Cup nữ 2014 vừa qua, sức ép làm nên lịch sử giữa VN và Thái Lan là như nhau, trong đó chính các cô gái Thái mới là phía phải gánh chịu tâm lý nhiều hơn khi bị thua thiệt, bất lợi đủ đường. Ai dám lập luận nếu cuộc đối đầu diễn ra trên đất Thái, VN sẽ giành vé dự World Cup vì… không bị tâm lý(?!).
Không phủ nhận, vấn đề tâm lý là có nhưng đó không thể là lý giải cho việc các cầu thủ nữ VN đồng loạt sa sút, đánh mất sự thanh thoát và chơi kém hẳn so với chính mình tại SEA Games 5 tháng trước. HLV Trần Vân Phát từng được đánh giá cao trong khả năng tính toán điểm rơi, nhưng lần này dường như tuyển nữ VN đã không bước vào giải với phong độ sung sức nhất. Việc trong một thời gian ngắn lại đi tập huấn ở Trung Quốc và Hàn Quốc và trở về quá cận giải liệu có hợp lý và cần thiết khi các cầu thủ phải liên tục di chuyển và thay đổi để thích nghi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thể lực?
Đông Kha