Báo Đồng Nai điện tử
En

Rút đăng cai Asiad 18: Tinh thần Điện Biên

10:04, 18/04/2014

Quyết định của Thủ tướng rút đăng cai Asiad 18-2019 được đại bộ phận dư luận đón nhận với sự hồ hởi, xem đây là thắng lợi của ý chí, nguyện vọng nhân dân khi tất cả các cuộc thăm dò dư luận trước đó, đại đa số người quan tâm đều bỏ phiếu không tán thành.

 

Quyết định của Thủ tướng rút đăng cai Asiad 18-2019 được đại bộ phận dư luận đón nhận với sự hồ hởi, xem đây là thắng lợi của ý chí, nguyện vọng nhân dân khi tất cả các cuộc thăm dò dư luận trước đó, đại đa số người quan tâm đều bỏ phiếu không tán thành.

Ông Hoàng Vĩnh Giang (thứ hai từ phải sang) là người chấp bút đề án xin đăng cai ASIAD 18.
Ông Hoàng Vĩnh Giang (thứ hai từ phải sang) là người chấp bút đề án xin đăng cai ASIAD 18.

Tổ chức Asiad không phải chỉ là câu chuyện thuần túy của thể thao mà liên quan đến kinh tế - xã hội, uy tín quốc tế và là một quyết định chính trị quan trọng. Lần này người đứng đầu Chính phủ đã lắng nghe những tiếng nói phản biện từ các chuyên gia, báo chí, thuận theo lòng dân: “Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta còn có nhiều khó khăn. Ngân sách nhà nước (cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) rất hạn hẹp, phải tập trung ưu tiên đầu tư cho nhiều nhiệm vụ hết sức cấp thiết khác”.

Có người còn ví quyết định rút đăng cai Asiad như mệnh lệnh kéo pháo trở ra, thay đổi cách đánh trong chiến dịch Điện Biên Phủ từ muốn “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đúng là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ có chủ trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đăng cai Asian Games, nhưng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã quá nôn nóng khi chọn thời điểm không thích hợp, lại thiếu hẳn sự chuẩn bị những điều kiện cần thiết để có thể thuyết phục dư luận về “vinh dự” đăng cai đại hội thể thao châu lục.

Chưa biết việc tổ chức Asiad 18 có góp phần “nâng cao vị thế trên trường quốc tế” của Việt Nam như lời người đứng đầu Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch từng giải thích hay không, nhưng chắc chắn việc xin rút, không nhiều thì ít, sẽ ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh, nhất là đối với Ủy ban Olympic và ngành thể thao Việt Nam, đặc biệt trong việc xin đăng cai những sự kiện thể thao lớn trong tương lai. Ngoài ra, Việt Nam hoàn toàn có thể bị Hội đồng Olympic châu Á phạt hoặc phải có nghĩa vụ hỗ trợ chi phí tổ chức Asiad 2019 cho nước chịu đứng ra thay thế (như Hàn Quốc đã làm với Thái Lan ở Asiad VI-1970). Vậy trách nhiệm này thuộc về ai, đơn vị nào phải gánh thiệt hại?

Không thể không đặt vấn đề về năng lực và động cơ của những người thiết kế, phê duyệt đề án tổ chức Asiad 2019, một bản đề án quá sơ sài và chủ quan, duy ý chí đến mức phi lý. Quy trình, cách làm “cầm đèn chạy trước ô tô” của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cũng gây ra những dấu hỏi. Tại cuộc họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ vào ngày 1-4-2014, kết luận của Thủ tướng làm dư luận hết sức bất ngờ: “Cái này (đề án tổ chức Asiad 18 - PV) chưa báo cáo”. Chưa báo cáo và được Thủ tướng phê duyệt, thế nhưng trước đó nửa tháng, vào ngày 18-3, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh lại đã có cuộc trình bày, bảo vệ đề án trước Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội(?). Kết quả, bản đề án chưa chặt chẽ và thiếu tính khả thi, cũng như sự minh bạch này (vì chưa trình, lấy ý kiến Thủ tướng và Chính phủ) đã bị dư luận mổ xẻ, phản ứng mạnh mẽ.

Một sự kiện tầm cỡ quốc tế, thể diện quốc gia, có thể tiêu tốn của đất nước hàng trăm triệu USD, nhưng sự chuẩn bị và hành xử lại nhẹ không như thể xách giỏ ra chợ mua bó rau!

Minh Chung

 

 

 

Tin xem nhiều