Báo Đồng Nai điện tử
En

Bao cấp… tư nhân

10:03, 17/03/2014

Lần lữa chờ tìm kiếm nhà tài trợ cho đến tận ngày khai mạc vẫn không bói đâu ra, cuối cùng Cúp quốc gia và Giải hạng nhất 2014 được gắn tên với Kienlongbank. Kienlongbank là ngân hàng mà trước đây của "bầu" Kiên và bây giờ ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch VPF là chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT).

Lần lữa chờ tìm kiếm nhà tài trợ cho đến tận ngày khai mạc vẫn không bói đâu ra, cuối cùng Cúp quốc gia và Giải hạng nhất 2014 được gắn tên với Kienlongbank. Kienlongbank là ngân hàng mà trước đây của “bầu” Kiên và bây giờ ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch VPF là chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Còn Eximbank, nhà tài trợ chính của V.League liên tục nhiều năm qua là “của” ông Lê Hùng Dũng - Phó chủ tịch phụ trách tài chính và sắp tới chắc chắn sẽ là tân chủ tịch VFF.

Một trận đấu ở Giải hạng nhất 2014.
Một trận đấu ở Giải hạng nhất 2014.

Cả 3 giải đấu cao nhất của nền bóng đá quốc nội đang sống chỉ bằng ống thở từ 2 ngân hàng của 2 vị đứng đầu VFF và VPF. Có điều đây lại là mối tình được gán ghép, bản thân 2 đơn vị tài trợ chẳng qua là chẳng đặng đừng vì… “nể” ông chủ tịch HĐQT. Ông Lê Hùng Dũng từng cho biết phải trình bày, chứng minh “gãy lưỡi” với HĐQT để Eximbank chịu tiếp tục gắn tên với V.League. Còn vừa qua, chắc “bầu” Thắng đã phải thuyết phục cấp dưới của mình bằng cách chuyển gói tài trợ 20 tỷ đồng cho đội bóng Kiên Giang trước đây sang cúp quốc gia và giải hạng nhất.

Như vậy bóng đá Việt Nam sau thời kỳ sống hoàn toàn bao cấp bởi Nhà nước, chuyển sang giai đoạn thị trường bùng nổ, hỗn loạn, thiếu định hướng; nay lại đến “hình thái” bao cấp… cá nhân.

***

Cùng với hàng loạt doanh nghiệp, địa phương giũ áo ra đi, từ bỏ cuộc chơi ở cấp vi mô CLB, thượng tầng vĩ mô các giải đấu cũng lâm vào khủng hoảng. Bản thân là một doanh nghiệp, Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng thừa nhận, bộ phận vận động tài trợ và truyền thông của các giải đấu chuyên nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiếm tiền: “Chúng tôi không thể chào bán các sản phẩm bóng đá xấu xí được. Hỏi ai họ cũng lắc đầu, dù doanh nghiệp họ không hề thiếu tiền”, nghe mà cám cảnh cho bóng đá thời ế ẩm, nhưng đó là thực tế. Doanh nghiệp bỏ tiền tài trợ cốt lợi ích quảng bá, chẳng ai gắn thương hiệu của mình với một sự kiện mà sau mỗi cuối tuần tràn ngập thông tin, hình ảnh tiêu cực trên khắp phương tiện truyền thông.

Trong cuộc chiến giành giật cách đây hơn 2 năm, người ta từng đẩy giá trị bản quyền truyền hình V.League lên đến cả trăm tỷ đồng, hứa hẹn các CLB sẽ được chia phần từ miếng bánh (vẽ) béo bở này. Giờ đây không còn nghe ai nhắc nhở, đả động đến cái gọi là bản quyền truyền hình bóng đá nữa. Chúng tôi đã thử kiên nhẫn ngồi xem một lần nội dung quảng cáo trong chương trình truyền hình trực tiếp V.League và đếm: trước, giữa và sau mỗi trận đấu có 10 spot quảng cáo/lượt, nhưng trong số này chỉ có duy nhất “Sứ Thiên Thanh” là khách hàng có lẽ có nhu cầu quảng cáo thực sự, 9 spot còn lại đều thuộc về 3 “người trong nhà”: Eximbank của Quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng; Đồng Tâm Long An (ngói, gạch và sơn), Kienlongbank của Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng và Hoàng Anh Gia Lai của “bầu” Đức, phó chủ tịch tài chính VPF (và sắp tới có thể cũng giữ cương vị ấy ở VFF). Thực chất đây là “đổi sóng lấy quảng cáo” cho các nhà đài chứ chẳng phải bán bản quyền truyền hình bóng đá (thay vì các đài phải đấu giá để mua bản quyền truyền hình và tự kinh doanh từ bản quyền ấy).

Hãy thử tưởng tượng, nếu ngày mai bóng đá quốc nội không còn được “bao cấp” bởi 3 cá nhân trên sẽ ra sao? Một nền bóng đá sao có thể “mong manh” như vậy!

Minh Chung

 

 

 

Tin xem nhiều