Báo Đồng Nai điện tử
En

Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF): Mọi chiếc ghế đều đã có chủ

03:02, 13/02/2014

Sau nhiều lần lùi thời hạn, ngày mai 14-2, VFF tiến hành đại hội nhiệm kỳ VII (2014-2018). Cuộc đua vào các chiếc ghế lãnh đạo chủ chốt ban đầu tưởng như rất "nóng" nhưng đến trước thềm đại hội lại nguội, bởi những diễn biến, thu xếp ở hậu trường.

Sau nhiều lần lùi thời hạn, ngày mai 14-2, VFF tiến hành đại hội nhiệm kỳ VII (2014-2018). Cuộc đua vào các chiếc ghế lãnh đạo chủ chốt ban đầu tưởng như rất “nóng” nhưng đến trước thềm đại hội lại nguội, bởi những diễn biến, thu xếp ở hậu trường.

Ông Lê Hùng Dũng (trái) trong sự kiện đưa Arsenal sang du đấu tại Việt Nam (tháng 7-2013).
Ông Lê Hùng Dũng (trái) trong sự kiện đưa Arsenal sang du đấu tại Việt Nam (tháng 7-2013).

Ông Lê Hùng Dũng giờ đây chẳng cần phải trình bày bản chương trình hành động đã dày công chuẩn bị để tranh cử chức chủ tịch VFF nữa, bởi cuộc đua đến vị trí lãnh đạo cao nhất của bóng đá (BĐ) nước nhà giờ đây chỉ còn “một mình một ngựa” khi “đối thủ” duy nhất, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Khánh Hải đã rút lui. Người ta hoàn toàn có thể hiểu thái độ âm thầm rút lại sự giới thiệu của Bộ này khi biết chắc “người của mình” không thể thắng được vị đương kim quyền chủ tịch. Trên danh nghĩa là phó chủ tịch phụ trách tài chính - tài trợ trong 2 nhiệm kỳ V và VI, nhưng vai trò của ông Lê Hùng Dũng ở VFF là rất lớn. Nói một cách không quá, trong buổi khủng hoảng kinh tế nếu không có ông Dũng và Eximbank của ông thì 3 mùa giải V.League gần đây có thể đã không thể diễn ra vì không có nhà tài trợ. Không những thế, doanh nhân này còn rất biết làm “chính trị”. Trước Đại hội VII, ông Dũng đã ghi một loạt “bàn thắng” ngoạn mục, như: tuyên bố nếu mình làm chủ tịch, “bầu” Đức sẽ nhận lời làm phó chủ tịch tài chính, bắt tay với “ông bầu” HAGL này trong sự kiện mời Arsenal và giải U.19 quốc tế… Thứ trưởng Lê Khánh Hải hay trước đó là Tổng cục phó Tổng cục Thể dục - thể thao Phạm Văn Tuấn về làm phó chủ tịch VFF không thể có những lợi thế ấy. Động thái xin từ nhiệm ngay trước đại hội của ông Nguyễn Trọng Hỷ để ông Dũng giữ chức quyền chủ tịch cũng có thể được xem là một cách “dọn đường” cho “người trong nhà” của VFF.

Nếu ông Đoàn Nguyên Đức nhận lời ứng cử làm phó đúng như ông Lê Hùng Dũng tuyên bố, thì vị trí phó chủ tịch giữ “tay hòm chìa khóa” sẽ chẳng ai dám (và muốn) cạnh tranh. Là doanh nhân bước vào làm BĐ sớm nhất, nhưng đây là lần đầu tiên sau 13 năm “bầu” Đức mới làm “quan” BĐ.

Việc ông Ngô Lê Bằng khẳng định không tiếp tục tại nhiệm vị trí tổng thư ký - chiếc ghế quan trọng thứ nhì, chỉ sau chủ tịch, chắc chắn sẽ là cuộc trở về của ông Trần Quốc Tuấn. Được ăn học bài bản, có uy tín và mối quan hệ quốc tế (ngay trước thềm đại hội, Liên đoàn BĐ châu Á đã “ủng hộ” ông Tuấn bằng việc bổ nhiệm chức Phó trưởng ban Thi đấu của AFC), ông Tuấn gần như không có đối thủ. Thực chất việc ông Tuấn mất chức tổng thư ký ở nhiệm kỳ thứ 2 không phải do thất bại ở SEA Games 2011 mà vì “xâm phạm” vào địa hạt quyền lợi của một vị lãnh đạo cao hơn, nên sự quay lại là điều đã được dự báo trước.

Theo dự định ban đầu, ông Tuấn “tổng” sẽ kiêm luôn vai trò phó chủ tịch phụ trách chuyên môn, nhưng do FIFA yêu cầu phải riêng rẽ 2 chức danh này khiến VFF có đôi phần lúng túng. Bởi đây là chiếc ghế khó, đòi hỏi người phải có chuyên môn hoặc là dân trong nghề. Đương kim phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn không muốn tại vị để chuyên trách hẳn cho chức tổng giám đốc VPF, một phó khác là ông Phạm Văn Tuấn từng là cầu thủ của Gia Lai nhưng lại đang mang hàm Thứ trưởng, chẳng lẽ lại làm phó cho ông Lê Hùng Dũng; nên ứng viên có khả năng còn lại có lẽ là ông Phan Anh Tú, người từng làm quyền Tổng thư ký VFF nhiệm kỳ IV.

Thực ra, ông Tú được nhắm đến cho việc tranh chức phó chủ tịch phụ trách truyền thông với ông Nguyễn Lân Trung, nhưng vừa bị hạ uy tín bằng cú “ném đá giấu tay” tiền thưởng của đội tuyển nữ sau SEA Games 27, nên ông Trung có thể ung dung tại vị.

“Mâm bát” đã sắp sẵn, chỉ còn chờ “vào cỗ”.

Đông Kha

Tin xem nhiều