Chủ nhà Myanmar đã sở hữu 2 tấm HCV đầu tiên của SEA Games 27 ở môn truyền thống đã có 1500 năm tuổi, chinlone. Đây không phải là lần đầu tiên một quốc gia chủ nhà đưa môn thể thao đặc biệt của mình vào chương trình thi đấu.
Chủ nhà Myanmar đã sở hữu 2 tấm HCV đầu tiên của SEA Games 27 ở môn truyền thống đã có 1500 năm tuổi, chinlone. Đây không phải là lần đầu tiên một quốc gia chủ nhà đưa môn thể thao đặc biệt của mình vào chương trình thi đấu.
1. Chinlone
Trong tiếng Myanmar, Chinlone có nghĩa là “chiếc rổ tròn”. Đây là môn thể thao kết hợp giữa tâng bóng và nhảy múa. Chinlone không thi đấu đối kháng mà chỉ thi theo dạng biểu diễn và được phân định thắng thua theo thang điểm đánh giá của trọng tài dựa trên các động tác kỹ thuật có độ lâu, khó, đẹp…
Đội chinlone nữ Myanmar giành HCV đầu tiên tại SEA Games 27 |
Quả bóng dùng để chơi Chinlone được làm từ mây (tương tự quả cầu mây). Thông thường, sáu người chơi trong một đội chinlone và những người chơi sẽ liên tục di chuyển theo một vòng tròn đường kính khoảng 6,7m và dùng bàn chân, đầu gối hoặc đầu để chuyền bóng cho nhau.
Sau đó, một người sẽ di chuyển vào tâm vòng tròn, đón bóng từ đồng đội và thực hiện màn biểu diễn cá nhân của mình. Người này sẽ nhận được những tiếng reo hò hỗ trợ từ đồng đội để thực hiện những động tác tâng bóng đẹp mắt trước khi trả lại bóng cho người khác.
Clip cách chơi chinlone
Nhiệm vụ của đội chơi Chinlone là không để bóng rơi xuống đất, mỗi lần bóng rơi xuống đất gọi là “bóng chết”, khi đó cuộc chơi phải bắt đầu lại. Do đó, để chơi Chinlone tốt, tất cả thành viên trong đội phải giữ được sự tập trung tối đa giống như tập trung trong thiền. Và đội thắng sẽ là đội biểu diễn đẹp nhất.
Ngay ở ngày thi đấu đầu tiên 4/12, cả đội tuyển chinlone của Myanmar đều đã giành chiến thắng trong các trận đấu chung kết với đối thủ Thái Lan để giành HCV.
2. Đánh phỏm tranh 9 bộ huy chương
Tại SEA Games 26 năm 2011 ở Indonesia, môn đánh bài (Bridge) lần đầu tiên được nước chủ nhà đưa vào chương trình thi đấu. Bài Bridge dành cho 4 người và có luật chơi khá giống với đánh bài phỏm của Việt Nam và sẽ có tới 9 nội dung tranh huy chương.
Đánh bài cũng được tổ chức thi đấu tại SEA Games |
Ban đầu, tưởng như môn này không được tổ chức do có quá ít nước đăng ký tham gia nhưng cuối cùng chủ nhà Indonesia vẫn thuyết phục được 3 nước, trong đó có Việt Nam góp mặt. Vì thế, đánh bài đủ điều kiện để tổ chức.
3. Dù lượn thi SEA Games
Dù lượn ban đầu là một hình thức giải trí hàng không, sau đó được đưa vào các giải thi đấu mang tính chuyên nghiệp. Dù lượn tương tự hình thức bay tự do, cất cánh bằng chân. VĐV (phi công) cất cánh từ độ cao nhất định, sau đó ngồi vào ghế điều khiển dù bay theo ý muốn. Ghế ngồi thường được may bằng những dây đai bền chắc, dù được làm bằng vải chuyên dụng và được bơm căng không khí để giữ hình dáng khí động học.
Việt Nam có thế mạnh ở môn dù lượn |
Các luồng gió sẽ giúp dù ở trên cao hàng giờ đồng hồ. Khi điều khiển dù, phi công dùng tay giữ hai dây lái được nối với phần sau của cánh dù. Gần ghế ngồi có dây tăng tốc – bộ phận giúp dù bay nhanh hơn khi phi công dùng chân kéo căng. Trong trường hợp cần giảm độ cao khẩn cấp, phi công sẽ làm giảm diện tích dù bằng cách làm xẹp một phần ở cả hai bên đầu mút cánh dù.
Tại SEA Games 26 lần đầu tiên dù lượn được đưa vào chương trình thi đấu. Với 12 bộ huy chương chia theo thể thức cá nhân, đồng đội, nam và nữ, các VĐV tranh tài ở ba nội dung đáp chính xác, bay xa và bay nhanh.
4. Kempo
Shorinji Kempo được thành lập vào năm 1947 bởi Doshin So, một võ sĩ Nhật Bản. Shorinji Kempo là một môn võ không chỉ rèn luyện sức khỏe mà cả đạo đức với nhiều điểm tương đồng với võ thuật Thiếu Lâm. Shorinji Kempo được thành lập tại Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ 2 bởi Doshin. Ngày nay, Shorinji Kempo là môn võ nghệ thuật tại Nhật Bản với hơn 1,4 triệu người học trên 28 nước trên thế giới.
Tại SEA Games 27, Kempo cũng là một môn mà đoàn Việt Nam hy vọng có huy chương.
Bên cạnh những môn thi đấu kể trên, qua từng kỳ SEA Games còn có một số môn khác mà chỉ phổ biến tại một số ít nước trong khu vực Đông Nam Á. Lawn Bowls và Netball (tại SEA Games 2001 ở Malaysia), võ gậy (Arnis tại SEA Games 2005 ở Philippines)… Khi Việt Nam đăng cai SEA Games 22 năm 2003, chúng ta cũng đưa vào thi đấu 2 môn là lặn và đá cầu.
Chính vì lý do đó mà cho đến thời điểm này, SEA Games vẫn bị coi là "ao làng" của thể thao Đông Nam Á.
(Thethaovanhoa.vn)