Karatedo là đội tuyển đầu tiên trong đoàn thể thao Việt Nam gánh chịu sự bất công từ các trọng tài. Trong phần thi chung kết kata đồng đội nữ hôm 13/12, dù Nguyễn Hoàng Ngân, Đỗ Thị Thu Hà và Nguyễn Thanh Hằng thực hiện xuất sắc cả phần thi quyền biểu diễn lẫn đối luyện, chỉ được một trong năm trọng tài chấm thắng. Bốn trọng tài còn lại đều xử cho ba võ sĩ Myanmar chiến thắng, dù phần thi của họ được nhiều HLV, vận động viên khác có mặt tại nhà thi đấu mô tả một cách hài hước là “múa như cào cào” và thiếu ăn ý.
Thu Hà đã bật khóc tức tưởi khi thấy quyết định của các trọng tài. Còn khi về phòng thay đồ, cả ba cô đều không kìm được dòng lệ. Trước đó, như biết trước kiểu gì “gà nhà” cũng sẽ có vàng, một thành viên Myanmar đã chuẩn bị sẵn một lá quốc kỳ khổ lớn đứng ngay bên cạnh sàn đấu để ba đồng đội nhỏ thó này cầm chạy quanh nhà thi đấu sau khi được trọng tài xử thắng.
Đội kata nữ khóc ròng khi bị trọng tài xử ép ở chung kết, giúp chủ nhà Myanmar đoạt HC vàng. Ảnh:Phương Minh. |
"Ba VĐV của chúng ta đều ở tầm hàng đầu thế giới, còn phía Myanmar thì không hề có tên tuổi. Dưới con mắt chuyên môn, nếu chúng ta được điểm 7, họ cùng lắm chỉ được điểm 3. Thế mà chúng ta vẫn bị xử thua. Chuyện bị trọng tài o ép có nằm trong dự liệu của ban huấn luyện tại SEA Games lần này, nhưng tôi không ngờ họ quá đáng như thế”, HLV Lê Công bình luận.
Vụ o ép thái quá này được đưa ra mổ xẻ trong phiên họp của ban trọng tài điều hành vào ngày hôm sau và tại cuộc họp đó, tổ trọng tài điều khiển trận chung kết kata đồng đội nữ bị kết luận đã mắc sai sót lớn khi xử thắng cho đội nữ Myanmar. Tổng trọng tài cũng đã gửi lời xin lỗi đến đoàn Việt Nam nhưng do quyết định cuối cùng đã được công bố, huy chương vàng cũng đã trao cho đoàn Myanmar nên không có quyết định thu hồi nào đưa ra.
Tuy nhiên, không phải tổ trọng tài nào cũng “thành thật” nhận sai sót và gửi lời xin lỗi như thế. Ngay ngày thi đấu thứ hai của karatedo Việt Nam tại SEA Games 27 (14/12), scandal trọng tài lại diễn ở trận bán kết kumite nữ hạng 55 kg. Dẫn 2-1 đến đúng lúc hết thời gian thi đấu, võ sĩ Trần Hoàng Yến Phương lĩnh một đòn ăn điểm của đối thủ Philippines Mae Soriano.
HLV Lê Công (trái) biết trước sẽ có chuyện với trọng tài, nhưng chính ông cũng không ngờ các võ sĩ Việt Nam lại bị o ép nhiều đến thế tại SEA Games lần này. Ảnh: Đức Đồng. |
Theo HLV Lê Công, đòn đánh đó, theo luật, không được tính điểm vì đã có chuông báo hết giờ. Nhưng do là đồng hương Iran với HLV của Soriano, vị trọng tài chính vẫn tính điểm cho võ sĩ Philippines để rồi sau đó, cả tổ năm trọng tài đều nhất trí xử cho cô này thắng, vào chung kết. Thua trận này, Phương mất tinh thần, thua tiếp 4-8 trước một võ sĩ Thái Lan ở trận tranh HC đồng kế sau.
Đến buổi tối, trên đường bơi 100 mét ngửa nữ, tới lượt nữ kình ngư Ánh Viên chịu thiệt. Cô gái người Cần Thơ này về nhì với thành tích 1 phút 02 giây 76, kém 29% giây so với Li Tao, vận động viên người Singapore về nhất. Tuy nhiên, Li Tao đã phạm luật khi lặn quá 15 mét sau khi xuất phát. Luật bơi quy định vận động viên phải trồi lên mặt nước trước vạch 15 mét nhưng theo băng ghi hình của HLV Đặng Anh Tuấn, Li Tao đã vượt quá vạch này.
Ông Tuấn ngay lập tức gửi bằng chứng lên ban tổ chức rồi làm đơn khiếu nại kèm theo 100 USD để xem xét lại sự việc. Nếu khiếu nại được chấp nhận, Li Tao sẽ bị hủy thành tích và Ánh Viên, bơi đúng luật, sẽ được đôn lên nhận HC vàng. Nhưng sau khoảng 45 phút họp bàn, ban tổ chức vẫn không cho xem băng mà trả lời ngay rằng tay bơi người Singapore không phạm luật.
Ánh Viên chịu thiệt, mất một HC vàng khi trọng tài từ chối xử lý vụ vận động viên Singapore phạm luật. Ảnh: Đức Đồng. |
Theo HLV Đặng Anh Tuấn, gần như toàn bộ ban điều hành bộ môn bơi ở SEA Games 27 đều là người Singapore nên cũng dễ hiểu cho việc bác khiếu nại từ phía đoàn Việt Nam. Suốt quá trình xem xét khiếu nại, ban tổ chức dứt khoát không tiến hành “mổ băng” mà chỉ dựa trên báo cáo của trọng tài ở vạch 15 mét rằng Li Tao không phạm luật để quyết định.
Cùng ngày, ở Yangon, nơi diễn ra môn thể hình, lực sĩ tầm thế giới và là ứng cử viên sáng giá cho chiếc HC vàng hạng cân 55 kg Phạm Văn Mách chỉ đoạt HC đồng vì chiêu trò của phía chủ nhà. Trò này diễn ra đúng khi Mách được gọi tên bước ra bục biểu diễn. Nhạc nền không chỉ bị phát chậm, mà còn phát sai bản nhạc mà lực sĩ Việt Nam đã chọn và đăng ký với ban tổ chức.
Những sai sót “vô tình” và nối tiếp nhau đó khiến tâm lý, khả năng tập trung của Mách bị tác động tiêu cực. Anh vì thế không thể biểu diễn tốt nhất theo đúng khả năng. Đến khi ban tổ chức sửa sai bằng bản nhạc do Mách chọn thì kết quả thi đấu của lực sĩ này bị tác động không nhỏ từ sai sót trước đó. Ở phần thi này, một lực sĩ chủ nhà Myanmar được chấm HC bạc.
Còn sáng nay, ở phần thi 20 kilomet nam, nữ, tới lượt đi bộ Việt Nam hứng bất công từ trọng tài và chịu cảnh trắng vàng tại SEA Games 27. Thanh Phúc, dù xô đổ kỷ lục SEA Games, chỉ về nhì, vì không đấu lại Saw Mar Lar Nwe, vận động viên chủ nhà vừa đi vừa chạy mà không bị trọng tài bắt lỗi. Em trai của Phúc, kiện tướng nam Thành Ngưng về nhì, nhưng bị phạt ba thẻ và hủy thành tích. Nhờ sự cố này, một vận động viên Myanmar về thứ tư được đôn lên lĩnh HC đồng, do Võ Xuân Vĩnh của Việt Nam được đôn lên thứ nhì, nhận HC bạc.
Những vụ gian lận trắng trợn như trường hợp của Saw Mar Lar Nwe (trong ảnh) ở môn đi bộ cho thấy chủ nhà Myanmar sẵn sàng làm mọi thứ để gặt càng nhiều huy chương càng tốt tại SEA Games 27. Ảnh: Đức Đồng. |
SEA Games 27 vẫn còn một loạt môn mà đoàn thể thao Việt Nam chưa ra quân. Những sự cố trọng tài và chiêu trò của chủ nhà như thế chắc chắn sẽ còn tiếp diễn. Myanmar không giấu diếm tham vọng chiếm ngôi số một toàn đoàn và chắc chắn sẽ làm mọi cách để đạt mục tiêu, bởi trên bảng tổng sắp hiện tại, họ đã tụt xuống thứ hai, sau Thái Lan.
VnExpress.net