Vượt qua nhiều sức ép từ nước chủ nhà, sự thiên vị của trọng tài và cả những thất bại chủ quan ở hàng loạt nội dung những tưởng cầm chắc vàng, đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu về cả huy chương (70 HCV) lẫn thứ hạng (giữ vững vị trí tốp 3 toàn đoàn) tại SEA Games 27.
Vượt qua nhiều sức ép từ nước chủ nhà, sự thiên vị của trọng tài và cả những thất bại chủ quan ở hàng loạt nội dung những tưởng cầm chắc vàng, đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu về cả huy chương (70 HCV) lẫn thứ hạng (giữ vững vị trí tốp 3 toàn đoàn) tại SEA Games 27.
Niềm vui của các VĐV đội tuyển kempo Việt Nam khi đoạt 3 huy chương vàng tại SEA Games 27. |
Đáng chú ý, cả 3 chiếc HCV mang tính dấu mốc đều do công của các nữ võ sĩ. “Mở hàng” vàng cho đoàn thể thao Việt Nam trên đất Myanmar là Dương Thúy Vi ở môn wushu với ngôi vô địch kiếm thuật trong ngày thi đấu 7-12. Vinh dự đưa đoàn thể thao Việt Nam đạt cột mốc 70 HCV, hoàn thành chỉ tiêu thuộc về Bùi Yến Ly ở môn muay, hạng cân 51kg nữ giành được vào lúc 15 giờ 38 ngày thi đấu áp chót 21-12. Người “khóa sổ” cũng lại là một nữ võ sĩ Nguyễn Thị Ngọc, ở môn muay đối kháng hạng cân 60kg nữ, đưa đoàn thể thao Việt Nam về đích với 73 HCV, hơn đoàn đứng hạng 4 Indonesia 8 HCV. Trong 16 ngày ra quân thi đấu thì ngày thứ 13 (19-12) là “ngày vàng” của đoàn thể thao Việt Nam khi điền kinh, vovinam và teakwondo cùng nhau lập kỷ lục 10 HCV trong ngày.
Lập đại công là 2 đội tuyển vật và điền kinh với cùng 10 HCV mỗi đội. Cộng với 12 HCB và 33 HCĐ, điền kinh Việt Nam đã bỏ xa Indonesia để vươn lên chiếm vị trí thứ 2 toàn đoàn, là môn giàu thành tích nhất của thể thao Việt Nam tại SEA Games 27. Tuy nhiên, chiến thắng của môn thể thao Olympic này hoàn toàn có thể rực rỡ hơn nhiều, nếu như không đánh rơi ít nhất 5 chiếc HCV. Còn vật xuất sắc vượt SEA Games 26 hai HCV. Đứng thứ 3 là bắn súng với 7 HCV, trong đó nhà vô địch châu Á 2012 và vô địch Cúp thế giới 2013 nội dung 10m súng ngắn hơi Hoàng Xuân Vinh góp công trong 3 chiếc HCV (1 cá nhân và 2 đồng đội). Đáng nói dù luôn là “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam tại các kỳ SEA Games, nhưng chỉ tiêu ở nhà của ĐT bắn súng chỉ là 3 HCV và họ đã vượt hơn gấp đôi. Bơi lội cũng hoàn thành chỉ tiêu 5 HCV, nhưng cũng như điền kinh, 2 kình ngư số 1 Nguyễn Thị Ánh Viên và Hoàng Quý Phước nếu thi đấu đúng phong độ, hoàn toàn có thể giành thêm ít nhất 2 HCV ở nội dung sở trường. Với 32 HCV, bốn môn thể thao Olympic này đã chiếm gần phân nửa (43,8%) tổng số ngôi vô địch của đoàn thể thao Việt Nam tại Myanmar.
Kế đến là nhóm 9 môn võ với 32 ngôi vô địch, trong đó vovinam - 6 HCV; wushu, taekwondo - cùng 5 HCV; karatedo, judo, pencak silat, kempo cùng 3 HCV và muay, quyền Anh - cùng 2 HCV. Trong số này, ngoài nhiệm vụ mang về huy chương (6 HCV, 10 HCB, 2 HCĐ), vovinam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quảng bá võ Việt khi khán giả Myanmar đặc biệt yêu thích đến xem vovinam rất đông. Taekwondo xuất sắc vượt SEA Games 26 hai HCV. Karatedo, judo hoàn thành chỉ tiêu, nhưng pencak silat mất đến 3 ngôi vô địch so với kỳ SEA Games trước, kempo mất 2 HCV, muay cũng thất bại… vì trọng tài. Nhưng 2 chiếc HCV của Liều Thị Duyên và Hà Thị Linh trong môn boxing thì cực kỳ quý giá, bởi đây là 2 ngôi vô địch đầu tiên ở đấu trường quốc tế của quyền Anh nữ Việt Nam. Tương tự là 2 HCV lịch sử trong môn bắn cung. Việc cờ vua chỉ giành 2 HCV so với 6 chiếc ở SEA Games trước là nằm trong dự đoán, bởi năm nay nước chủ nhà cắt bỏ những nội dung có truyền thống thế mạnh của Việt Nam, thay vào đó là các thể loại xa lạ, như: cờ trao đổi hay cờ Bobby Fisher (?), tuy nhiên đội tuyển cờ cũng đã không đạt chỉ tiêu 3 HCV đề ra.
Cùng mang về 1 HCV là các ĐT: cử tạ, thể hình, bida, xe đạp, đua thuyền (canoeing và rowing). Ngoài cử tạ, Thạch Kim Tuấn bảo vệ được chức VĐ ở hạng cân 56kg của đồng đội Trần Lê Quốc Toàn và vượt 3 HCB so với SEA Games 26. Các môn còn lại đều không vượt qua chính mình hoặc so với 2 năm trước trên đất Indonesia, trong đó thất bại nặng nề nhất là ĐT đua thuyền. Tại SEA Games 2011, đua thuyền từng giành được tới 5 HCV (3 rowing và 2 canoeing), nhưng lần này chỉ có vỏn vẹn duy nhất 1 HCV (rowing, đôi nữ hạng nhẹ một mái chèo).
Trong ngày thi đấu cuối hôm qua 22-12, đoàn thể thao Việt Nam đã khép lại SEA Games 27 với tổng cộng 245 huy chương, gồm: 73 HCV, 86 HCB và 86 HCĐ. Kỳ SEA Games thứ 6 liên tiếp nằm trong tốp 3 (1 lần dẫn đầu là SEA Games 2003 trên sân nhà và 1 lần hạng nhì là SEA Games 2009 tại Lào).
Bảng vàng của đoàn thể thao Việt Nam Điền kinh: 10V, 12B, 33Đ 1/ Phạm Thị Bình – marathon. 2/ Nguyễn Văn Lai - 5.000m. 3/ Nguyễn Văn Lai - 10.000m. 4/ Vũ Thị Hương - 100m nữ. 5/ Vũ Thị Hương - 200m nữ. 6/ Đỗ Thị Thảo - 800m nữ. 7/ Đỗ Thị Thảo - 1.500m nữ. 8/ Dương Thị Việt Anh - nhảy cao. 9/ Nguyễn Văn Hùng - nhảy 3 bước (kỷ lục SEA Games). 10/ Dương Văn Thái - 1500m nam. Vật: 10V, 2 Đ 1/ Đới Đăng Tiến - Vật cổ điển 55kg nam. 2/ Trần Văn Tưởng - Vật cổ điển 66kg nam. 3/ Phạm Thị Huế - Vật tự do 55kg nữ. 4/ Phạm Thị Loan - Vật tự do 59kg nữ. 5/ Bùi Tuấn Anh - Vật tự do 66kg nam. 6/ Nguyễn Thế Anh - Vật tự do 60kg nam. 7/ Nguyễn Huy Hà - Vật tự do 55kg nam. 8/ Nguyễn Thị Lụa - Vật tự do 51kg nữ. 9/ Cấn Tất Dự - Vật tự do 74kg nam. 10/ Vũ Thị Hằng - Vật tự do 48kg nữ. Bắn súng: 7V, 1B, 2 Đ 1/ Nguyễn Thành Đạt - 50m súng trường nằm bắn. 2/ Đồng đội nam 50m súng ngắn bắn chậm. 3/ Đồng đội nữ 10m súng ngắn hơi. 4/ Nguyễn Minh Châu - 10m súng ngắn hơi nữ. 5/ Đồng đội nam súng ngắn hơi 10m. 6/ Hoàng Xuân Vinh - súng ngắn hơi 10m. 7/ Đồng đội nữ 25m súng ngắn thể thao. Vovinam: 6V, 10B, 2 Đ 1/ Đồng đội nam biểu diễn đòn chân tấn công. 2/ Trần Khánh Trang - đối kháng 50kg nữ. 3/ Nguyễn Duy Khánh - 60kg nam. 4/ Nguyễn Thị Quyền Chân - 60kg nữ. 5/ Nguyễn Thị Kim Hoàng - 55kg nữ. 6/ Hồ Minh Tâm - 65kg nam. Wushu: 5V, 5B, 5 Đ 1/ Dương Thúy Vi - kiếm thuật nữ. 2/ Hoàng Thị Phương Giang - trường quyền nữ. 3/ Nguyễn Thị Chinh - tán thủ 48kg nữ. 4/ Nguyễn Thu Hoài - 52kg nữ. 5/ Phạm Quốc Khánh - nam côn nam. Bơi lội: 5V, 5B, 2Đ 1/ Nguyễn Thị Ánh Viên - 200m hỗn hợp nữ. 2/ Nguyễn Thị Ánh Viên - 200m ngửa nữ (kỷ lục SEA Games). 3/ Nguyễn Thị Ánh Viên - 400m hỗn hợp cá nhân nữ (kỷ lục SEA Games). 4/ Hoàng Quý Phước - 200m tự do nam. 5/ Lâm Quang Nhật - 1.500m tự do nam. Taekwondo: 5V, 4B, 3Đ 1/ Quyền đồng đội nữ . 2/Quyền đôi nam nữ. 3/ Phạm Thị Thu Hiền - 62kg nữ. 4/ Lê Huỳnh Châu - 58-63kg nam. 5/ Nguyễn Trọng Cường - 87kg nam. Karatedo: 3V, 3B, 7Đ 1/ Nguyễn Hoàng Ngân - kata cá nhân nữ. 2/ Lăng Thị Hoa - kumite 68kg nữ. 3/ Vũ Thị Nguyệt Ánh - 50kg nữ. Pencak silat: 3V, 5B, 1Đ 1/ Lê Sĩ Kiên - dưới 85kg nam. 2/ Nguyễn Duy Tiến - dưới 80kg nam. 3/ Nguyễn Thị Yến - dưới 75kg nữ. Kempo: 3V, 4B, 3Đ 1/ Phạm Thị Mão, Phan Thị Kiều Duyên - quyền đôi nữ đai nâu. 2/ Đỗ Hồng Ngọc - 45-48kg nữ. 3/ Lê Dương Lan Phương, Trần Thị Mỹ Duyên - quyền đôi nữ đai đen. Judo: 3V, 7B, 3 Đ 1/ Huỳnh Nhất Thống - 55kg nam. 2/ Văn Ngọc Tú - 48kg nữ. 3/ Hồ Ngân Giang - 60kg nam. Muay: 2V, 4B, 4Đ 1/ Bùi Yến Ly - 51kg nữ. 2/ Nguyễn Thị Ngọc - 60kg nữ. Cờ vua: 2V, 5B, 1Đ 1/ Nguyễn Ngọc Trường Sơn - cờ chớp. 2/ Nguyễn Ngọc Trường Sơn - cờ nhanh. Quyền Anh: 2V, 1B, 5Đ 1/ Liều Thị Duyên - 60kg nữ. 2/ Hà Thị Linh - 64kg nữ. Bắn cung: 2V, 1B 1/ Nguyễn Tiến Cương - 50m cung 3 dây. 2/ Đào Trọng Kiên - Lộc Thị Đào - đồng đội hỗn hợp cung 1 dây. Cử tạ: 1V, 5B, 3Đ Thạch Kim Tuấn - 56kg (phá 2 kỷ lục SEA Games). Thể hình: 1V, 1B, 1Đ Nguyễn Văn Lâm - 70kg nam. Bida: 1V, 1 B, 6Đ Đặng Đình Tiến - carom 1 băng. Xe đạp: 1V, 1B, 3Đ 100km đồng đội tính giờ. Đua thuyền 1V, 5 B, 7Đ Lê Thị An, Trần Thị Sâm - rowning đôi nữ hạng nhẹ một mái chèo. Dương Cầm |
Quang Minh (từ Myanmar)