Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng say men, đốt cháy giai đoạn (Kỳ cuối)

11:10, 11/10/2013

Chẳng phải là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam vào vòng chung kết giải U.19 châu lục, chiến thắng 5-1 trước U.19 Australia dù bất ngờ nhưng cũng chưa đến mức một kỳ tích, vậy vì sao U.19 Việt Nam lại giành được sự mến mộ, ngợi khen, tạo nên một hiệu ứng cơn sốt dư luận đến như thế?

Chẳng phải là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam vào vòng chung kết giải U.19 châu lục, chiến thắng 5-1 trước U.19 Australia dù bất ngờ nhưng cũng chưa đến mức một kỳ tích, vậy vì sao U.19 Việt Nam lại giành được sự mến mộ, ngợi khen, tạo nên một hiệu ứng cơn sốt dư luận đến như thế?

U19 Việt Nam mang đến niềm tự hào cho đông đảo người hâm mộ.
U19 Việt Nam mang đến niềm tự hào cho đông đảo người hâm mộ.

Có thể nói, chính thứ bóng đá mà các em chơi, một thứ bóng đá cống hiến, vô cùng thích mắt: tốc độ, khéo léo và nhịp nhàng cứ như tự động hóa; những yếu tố kỹ, chiến thuật đã được đào luyện, nhập tâm đến mức trở thành kỹ năng qua 6 năm liên tục ăn, ngủ, học hành, tập luyện cùng nhau. Không chỉ ở cách ứng xử với trái bóng, các em còn được yêu mến bởi cả những hành vi ứng xử trên sân. Với U.19 hiện tại, người ta nhìn thấy một thứ bóng đá tử tế, có văn hóa, giáo dục, cầu thủ không bị xem là dân “quần đùi, áo số”.

* Không nên “dú non, chín ép”

Trong cơn cao hứng của sự phấn khích, đã có ý kiến đề nghị  đưa U.19 đi đá SEA Games 27 vào cuối năm nay. Đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Không như các môn thể thao khác, bóng đá là môn thể thao đối kháng mà đôi bên trực tiếp tranh chấp, va chạm. Vì vậy, ngoài trình độ chuyên môn, yếu tố thể chất có vai trò rất lớn. Khoảng cách 5, 6 tuổi là một chênh lệch lớn, nhất là giữa một thiếu niên tuổi 17, 18 đang sức lớn, với một thanh niên đã ở độ tuổi chín muồi của quá trình phát triển cơ thể. Thực tế, các học trò HLV Guillaume còn chưa có đầy đủ sức mạnh cơ bắp và sức bền thể lực để từ sân chơi trẻ bước thẳng vào một giải đấu người lớn.[links(right)]

Ngay cả khi có thể đi chăng nữa, thì có nên vì thành tích SEA Games - một giải không nằm trong hệ thống chính thức của FIFA vì chỉ là một môn thi đấu trong một đại hội thể thao khu vực, mà “dú non, chín ép” một lứa quả hứa hẹn sẽ rất ngọt, ngon? Đúng là Malaysia, Myanmar từng đưa đội tuyển U.19 dự SEA Games, nhưng hãy xem họ đi đến đâu? Đến chiếc HCV đấu trường này và vô địch AFF Cup như Malaysia là hết, tức cũng chỉ quanh quẩn ở Đông Nam Á. Với 2 triệu USD của “bầu” Đức bỏ ra và chắc chắn sẽ tiếp tục nhận được sự đầu tư sau này nữa, chẳng lẽ chỉ để hướng đến một đội bóng chơi loanh quanh ở “ao làng” khu vực?

Đốt cháy giai đoạn là phản khoa học, đi ngược với triết lý đào tạo của Học viện Arsenal vốn xây dựng trên nền tảng đi từng bước vững chắc. Đã từng có không ít HLV, giới chuyên môn ngạc nhiên và hoài nghi về việc các cầu thủ của JMG tuyệt đối không được mang giày, chỉ được đá chân đất suốt 4, 5 năm đầu tiên. Nay hẳn không còn ai thắc mắc về phương pháp đào tạo lạ lùng, có phần “quê mùa” này nữa. Quy trình đào tạo của Học viện HAGL-Arsenal JMG là 7 năm và phải đến tháng 4 năm sau, khóa 1 - lứa nòng cốt của ĐT U.19 vừa qua - mới ra trường. Các em vẫn chỉ mới ở giai đoạn hoàn thiện kỹ, chiến thuật, tích lũy sức bền thể lực, chứ chưa thực sự trưởng thành để sẵn sàng “ra ràng”. Vì vậy, đề nghị cho một số gương mặt nổi bật, như: Công Phượng, Văn Toàn…có cơ hội thử sức ở đội tuyển U.23 tại SEA Games vào cuối năm nay là không cần thiết. Như cái cây đang sức lớn nhanh, không nên trì hãm bằng việc đeo lên thân một trách nhiệm quá nặng.

* Lời kết

Với tất cả những gì đã chứng kiến từ U.19, có thể khẳng định chúng ta đang có một lứa cầu thủ trẻ đầy tài năng và có giáo dục. Nhưng để lứa cầu thủ này có thực sự trở thành một “thế hệ vàng” “vừa hồng vừa chuyên” của bóng đá Việt Nam hay không còn là câu chuyện phía trước, sau khi các em ra trường tiếp tục phát triển sự nghiệp ra sao. Liệu các cầu thủ đang chơi thứ bóng đá vị nghệ thuật, đầy fair play hôm nay có trung thành mãi được trước những đối phương luôn nhăm nhăm tìm cách triệt hạ hết trận này đến trận khác? Liệu đứa con ngoan được dạy dỗ “đá bóng không vì tiền” trong 4 bức tường Học viện có miễn nhiễm khi bước vào môi trường xã hội đầy cám dỗ, ở đây là V-League?

Dù sức đề kháng được chuẩn bị tốt đến đâu, người ta cũng khó tránh khỏi bệnh tật trong một môi trường ô nhiễm nặng. Cần tạo ra một môi trường (bóng đá) vào đời lành mạnh để các em tiếp tục phát triển tài năng đến mức cao nhất, trọng trách này thuộc về người lớn, về VFF, VPF.

Và cuối cùng, có lẽ chiến dịch tán dương, ca ngợi U.19 đến đây nên dừng lại!

Nên tưởng thưởng các cầu thủ ngoài Học viện JMG

Có phần bất công khi dư luận vừa qua chỉ chú tâm những Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn, Đông Triều… mà bỏ quên những đóng góp của các thủ ngoài Học viện HAGL-Arsenal JMG. Tính thêm 2 gương mặt được bổ sung tại vòng loại châu Á, có tổng cộng 10 cầu thủ từ các lò đào tạo trẻ SLNA, T&T, Hà Nội, Viettel, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Bình Dương, Thanh Hóa tham gia U.19. Ngay từ sau chức á quân giải U.19 Đông Nam Á, đã có ý kiến đặt vấn đề: “bầu” Đức tuyên bố không cho các cầu thủ nhận thưởng (nếu có) từ VFF hoặc các mạnh thường quân, nhưng còn các cầu thủ không phải “lính” học viện của ông thì sao?

Theo chúng tôi, cách tưởng thưởng ý nghĩa nhất là “bầu” Đức và Học viện JMG đặc cách cho các cầu thủ này, chí ít là với 6 gương mặt thường xuyên ra sân, thậm chí đá chính là: tiền vệ Phạm Đức Huy (Hà Nội); trung vệ Hoàng Văn Khánh (SLNA), Trương Văn Thiết (Viettel); tiền vệ Phạm Trùm Tỉnh, Lâm Ti Phông (Khánh Hòa) và Duy Mạnh (T&T) vào đào tạo tại học viện cùng với các đồng đội mà họ đã cùng nhau sát cánh ở 2 giải đấu quốc tế vừa qua. Điều này còn có lợi cho ĐT U.19 trong hành trình chuẩn bị cho vòng chung kết châu Á 2014, nhất là khi “bầu” Đức có kế hoạch đưa thầy trò HLV Guillaume sang tập huấn dài hạn tại Arsenal vào đầu năm sau.

Trần Đỗ

 

Đông Kha

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều