Báo Đồng Nai điện tử
En

U.23 Việt Nam chuẩn bị SEA Games 27: Có cần vội và dài đến thế?

07:09, 12/09/2013

23 giờ 30 đêm nay 12-9, đội tuyển (ĐT) U.23 Việt Nam lên đường sang Hungary tập huấn, chính thức mở màn cho chiến dịch chinh phục SEA Games 27-2013 mà mục tiêu tối thiểu là có mặt ở trận chung kết.

23 giờ 30 đêm nay 12-9, đội tuyển (ĐT) U.23 Việt Nam lên đường sang Hungary tập huấn, chính thức mở màn cho chiến dịch chinh phục SEA Games 27-2013 mà mục tiêu tối thiểu là có mặt ở trận chung kết.

Việc được sang châu Âu tập huấn là cơ hội để các tuyển thủ U.23 Việt Nam nâng cao trình độ.  Ảnh: T.L
Việc được sang châu Âu tập huấn là cơ hội để các tuyển thủ U.23 Việt Nam nâng cao trình độ. Ảnh: T.L

Không kể 9 cầu thủ thuộc biên chế các đội hạng nhất được gọi lên trước 10 ngày, chỉ 5 ngày sau lượt trận cuối cùng V-League, các tuyển thủ U.23 đã phải khăn gói tập trung (riêng 4 cầu thủ của V.Ninh Bình và SHB.ĐN thì chỉ 24 giờ sau trận chung kết Cúp quốc gia). Có lẽ HLV Hoàng Văn Phúc và VFF e ngại sau khi kết thúc mùa giải, các CLB “xả trại”, cầu thủ trở về sinh hoạt tự do sẽ không giữ phong độ. Nhưng có cần vội vàng, gấp gáp, buộc các tuyển thủ “không kịp thở” đến thế? Ngay đến VCK World Cup hay Euro, các ĐT trên thế giới cũng cho các cầu thủ được nghỉ ngơi, thư giãn ít nhất 1 tuần để họ xả stress, lấy lại năng lượng và niềm vui chơi bóng sau một mùa giải căng thẳng, kéo dài cả năm trời.

Không chỉ tập trung sớm mà thời gian tập huấn của tuyển U.23 cũng quá dài, tới tận gần 3 tháng (BĐ nam SEA Games 27 khởi tranh vào ngày 1-12). Trước đây, các đời HLV ngoại thường yêu cầu ĐT tập trung sớm và dài với lý do ở CLB làm nền thể lực không tốt nên lên tuyển, HLV hầu như phải làm lại từ đầu, rất mất thời gian. Giờ đây trình độ HLV các CLB chuyên nghiệp trong nước đã được chuẩn hóa, tất cả đều có bằng A, lý do ấy xem ra khó chấp nhận. BĐ Việt Nam từng có nhiều “bài học xương máu” ở SEA Games cũng như AFF Cup, khi ĐT vào giải bỗng dưng không còn là chính mình, mất hẳn sự thanh thoát. Các cầu thủ thú nhận họ như mượn chân người khác. Ngoài lý do ban huấn luyện tính toán không đúng “điểm rơi”, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các cầu thủ phải tập luyện, thi đấu quá dài và liên tục, khiến đến một lúc nào đó xuất hiện cảm giác ngán bóng, đôi chân không còn tuân thủ cái đầu. Giới chuyên môn đã chỉ ra rất cần những “quãng lặng” để cầu thủ lấy lại sự tươi mới, niềm vui thích chơi bóng. Về tâm sinh lý, việc tập trung quá dài cũng phản khoa học. Suốt 3 tháng trời, hơn 20 chàng trai được quản như trại lính, quanh quẩn ra vào, đụng đầu nhau không gây ức chế mới lạ.

Cuối cùng, chuyến tập huấn ở Hungary vào thời điểm này có hợp lý và lãng phí? Tiếng là 11 ngày (từ 12 đến 23-9) nhưng mất 4 ngày cho 2 chuyến bay đi, bay về xuyên lục địa, thực tế thầy trò ông Phúc chỉ có 1 tuần tập luyện ở trời Âu. Với quỹ thời gian ngắn ngủi ấy, chuyến đi tốn kém này chỉ mang ý nghĩa “thay đổi không khí”, tạo phấn khởi cho các cầu thủ, chứ khó có thể thu hoạch về mặt chuyên môn. Còn nhớ tại kỳ AFF Cup 2008 mà lần đầu tiên (và duy nhất cho đến nay) ĐT Việt Nam đăng quang, ở tuần lễ cuối cùng HLV Calisto đã đề nghị VFF cho ĐT ở lại luôn Singapore sau khi thi đấu trận giao hữu lượt về và từ đây bay thẳng sang Thái Lan dự vòng bảng. Mục đích của nhà cầm quân người Bồ là để các tuyển thủ được thay đổi môi trường, đồng thời thoát hẳn mọi sự chú ý và áp lực của dư luận, báo chí trong nước để hoàn toàn yên tĩnh thư giãn, tập trung bước thẳng vào trận đánh lớn. Thế nên giá như “để dành” chuyến tập huấn tại Hungary của ĐT U.23 đến cuối chu kỳ chuẩn bị và trước thềm SEA Games 27 sẽ bổ ích hơn rất nhiều.

Đông Kha

 

 

 

 

Tin xem nhiều