Bản hợp đồng có thời hạn 5 tháng (từ tháng 8 đến hết tháng 12-2013, có kèm điều khoản gia hạn thêm) giữa CLB Consadole Sapporo - SLNA - Công Vinh được ký kết chóng vánh bởi đáp ứng lợi ích cả 3 bên.
Bản hợp đồng có thời hạn 5 tháng (từ tháng 8 đến hết tháng 12-2013, có kèm điều khoản gia hạn thêm) giữa CLB Consadole Sapporo - SLNA - Công Vinh được ký kết chóng vánh bởi đáp ứng lợi ích cả 3 bên. Bản thân Công Vinh ít nhất được nhận số tiền lương cao gấp 5 lần tại SLNA (đầu mùa để tránh cảnh thất nghiệp, xin trở về đội bóng quê hương, Vinh chủ động chấp nhận hạ lương xuống chỉ còn 30 triệu đồng/tháng), lại được tiếng cầu thủ Việt đầu tiên được một CLB nước ngoài mời thi đấu.
Với SLNA, trong thời buổi “gạo châu, củi quế”, nhà tài trợ thắt chặt hầu bao chi tiêu, bỗng dưng được món lãi cả nửa tỷ đồng từ một cầu thủ mà từ lâu vốn đã không còn là người của mình (SLNA mua đứt hẳn 1 năm hợp đồng còn lại của Công Vinh với CLB Hà Nội, với giá mà theo người trong cuộc là không cao hơn nhiều so với mức 500 triệu đồng mà họ đã bỏ ra để “mượn” Công Vinh thi đấu ở mùa này). Và khoản thu này sẽ không dừng lại ở đây nếu Sapporo tiếp tục gia hạn hợp đồng với Công Vinh.
Với đội bóng hạng 2 Nhật Bản, để sở hữu chân sút số 1 của ĐTVN và đang dẫn đầu “Vua phá lưới” ở V-League chỉ với số tiền 7.000 USD/tháng (mức tiền lương trung bình của một cầu thủ nội Nhật) là quá hời. Chưa kể những giá trị lớn hơn từ quảng bá thương hiệu tại thị trường VN cho Sapporo và Dentsu (đơn vị giới thiệu), Toshiba (nhà tài trợ chính của CLB).
Chỉ có một bên duy nhất bị thiệt, đó là CLB bóng đá Hà Nội, nơi thực sự sở hữu cầu thủ. Số tiền lên đến 14 tỷ đồng mà “bầu” Kiên đã bỏ ra “lót tay” để có Công Vinh trong 3 năm, rốt cuộc chỉ để đổi lại 1 năm chơi bóng của tiền đạo này (với 11 bàn thắng ở V-League 2012) và hơn 1 tỷ đồng cho 2 mùa còn lại.
Dương Cầm