Gần đây, bóng đá Việt Nam (BĐVN) dồn dập nổi sóng thị phi. Những thông tin trái chiều xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện truyền thông càng khiến dư luận nhiễu loạn.
Gần đây, bóng đá Việt Nam (BĐVN) dồn dập nổi sóng thị phi. Những thông tin trái chiều xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện truyền thông càng khiến dư luận nhiễu loạn.
Ông Cấn Văn Nghĩa trả lời xung quanh việc giá thuê sân trận giao hữu Việt Nam - Arsenal. Ảnh: T.L |
Nếu tinh ý, am hiểu chuyện hậu trường và liên hệ với cuộc chạy đua chuẩn bị cho Đại hội Liên đoàn BĐVN (VFF) khóa VII sắp diễn ra vào tháng 10 tới, người ta sẽ thấy dường như đây là một chiến dịch thông tin rất bất bình thường.
* Nghi án “tổ trọng tài nhận bao thư 100 triệu đồng”
Thật hư scandal này ra sao sẽ được cơ quan điều tra làm rõ, nhưng có 2 chi tiết đáng lưu ý. Thứ nhất, thời điểm xảy ra vụ việc là cuối tháng 3 nhưng mãi đến đầu tháng 6, đúng 1 tuần trước Hội nghị Ban chấp hành (HN BCH) lần thứ 13 của VFF, mới nổ ra(?!). Thứ hai, lời khai của tổ trọng tài (TT) nhận bao thư từ “một người lạ mặt” (không phải của Thanh Hóa, còn HAGL thì càng lại không vì họ là đội thua). Gần như ngay lập tức, một quyết định được coi là nhanh và quyết liệt nhất từ trước đến nay, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ (tạm) đình chỉ nhiệm vụ của cả Trưởng, Phó ban TT Dương Vũ Lâm và Đoàn Phú Tấn (và HN BCH diễn ra chỉ 2 ngày sau đó đã nhanh chóng hợp thức hóa thông qua).
Ngược thời gian một chút, chuẩn bị cho mùa giải 2013 ông Hỷ từng có ý định cải tổ, bổ sung nhân sự Ban TT, nhưng đã thất bại vì vấp phải sự phản đối của dư luận thông qua sự tác động của ông Lâm và ông Tấn. Còn ngay trước nghi án này, nội bộ Ban TT đã nổi sóng khi một ủy viên kỳ cựu tố cáo với báo chí một đồng sự nhập nhèm chuyện thanh toán tiền làm nhiệm vụ. Câu chuyện không đi tới đâu nhưng vị ủy viên nọ thì bị cô lập, công kích và dưới mắt dư luận trở thành kẻ “vạch áo cho người xem lưng, gây mất đoàn kết nội bộ, âm mưu tranh đoạt ghế!”. Lạ lùng là suốt thời gian qua, vị ủy viên rất mạnh miệng này lại hoàn toàn kín tiếng, không hé môi một lời nào trên báo chí về scandal TT cũng như việc 2 “sếp” bị đình chỉ - vốn tày đình hơn nhiều chuyện “ăn gian” tiền giám sát. Xem ra “trạng chưa chết, chúa đã băng hà”, nghe như chuyện “quân tử 3 năm phục thù chưa muộn”! Trong giới TT, ai thuộc vây cánh nào, mọi người biết cả.
* Thuê sân Mỹ Đình 1,5 tỷ đồng
Đúng như dự đoán, “quả bom” ầm ĩ mới nhất này đã được tháo ngòi khi giá thuê sân Mỹ Đình cho trận tiếp Arsenal đã được hạ một xuống còn phân nửa (800 triệu đồng). Trong câu chuyện này, gạt ra những tuyên bố “đao to búa lớn” trái ngược, thậm chí phủ nhận nhau của cả 2 phía, người ta sẽ thấy mối liên hệ sau nó.
Với dư luận, ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch kinh tế - tài chính VFF, được coi là người hùng có công mang đến sự kiện lịch sử này, một “nhà từ thiện” của BĐVN. Ông chủ ngân hàng, vàng siêu bự này luôn nhấn mạnh, đây không phải là thương vụ kinh doanh hay PR (vì cầm chắc lỗ nặng) mà chỉ vì người hâm mộ BĐ nước nhà. Đây được coi là cú “lobby” cực kỳ khôn ngoan cho chiến dịch tranh cử chiếc ghế chủ tịch VFF của ông Dũng (lịch trình ban đầu sự kiện Arsenal đến Việt Nam diễn ra đúng vào thời điểm Đại hội VFF vừa kết thúc và sẽ là màn ra mắt bàn dân thiên hạ không thể hoành tráng hơn của vị tân chủ tịch).
Còn Khu liên hợp thể thao quốc gia (trong đó có SVĐ Mỹ Đình) là của ai? Của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, nơi đối thủ của ông Dũng trong cuộc cạnh tranh chiếc ghế chủ tịch VFF đang là đương kim Thứ trưởng. Ông Cấn Văn Nghĩa, Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia về câu chuyện này có phát biểu đầy hàm ý: “Tôi không cần biết các vị mang Arsenal hay MU về Việt Nam. Nếu các vị cảm thấy đủ tiềm lực kinh tế thì các vị mới mời. Các nhà kinh tế siêu đẳng như HAGL, Eximbank thừa biết tính toán lỗ lãi của những trận đấu này ra sao. Nhà có giỗ, bố mẹ tiếp khách phải cho các con ăn với chứ…!”. Và người của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch nhấn mạnh với dư luận: (chẳng qua) đây là thương vụ làm ăn!
Người quản lý sân Mỹ Đình đã bắn một mũi tên trúng 2 đích, vừa thu được khoản tiền gấp 4 lần bình thường, vừa gây khó, vạch áo đối thủ của sếp. Tất cả chỉ là chơi chiêu, đòn gió!
* Và 2 chuyện bên lề
Việc đưa tin một cá nhân nhận huy hiệu Đảng vốn chỉ dành cho những cán bộ lão thành hoặc lãnh đạo cấp cao, ấy vậy mà cái tin vị ứng cử viên doanh nghiệp nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng được không ít báo đưa đậm như một sự kiện. Thậm chí còn kèm cả bài phỏng vấn với lời lưu ý của nhân vật: “Tôi cũng là người Nhà nước”.
Ngay sau đó, vị ứng cử viên “người Nhà nước” vốn hiếm khi đi xem BĐ (trước đây ông từng thoái thác khi được gợi ý mời giữ chiếc ghế chủ tịch VFF), bỗng quyết định đi thăm 2 đội tuyển nữ và U.23 quốc gia. Chuyến vi hành được một số tờ báo tường thuật rất chi tiết, đến cả việc ông quan tâm đến không gian… thở ngoài hành lang của cầu thủ ra sao(!).
Lời kết: Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6 xin được nhắn nhủ các nhà báo cần tỉnh táo và có bộ lọc thông tin, để không vô tình biến mình thành cái loa công cụ cho những nhóm lợi ích.
Minh Chung