Không phải Thái Lan hay Malaysia mà Myanmar mới là nền BĐ giàu thành tích nhất Đông Nam Á.
Myanmar mang sang Việt Nam đội hình mạnh nhất. Ảnh: T.L |
Không phải Thái Lan hay Malaysia mà Myanmar mới là nền BĐ giàu thành tích nhất Đông Nam Á. Thập niên 1965-1975 là thời kỳ BĐ Myanmar - khi ấy có tên Burma - thống trị tuyệt đối làng túc cầu khu vực với 5 kỳ SEAP Games - tiền thân của SEA Games ngày nay - vô địch liên tiếp (1965 - đồng HCV với Thái Lan, 1967 - thắng ĐT miền Nam Việt Nam 2-1 trong trận chung kết, 1969, 1971 và 1973). Đỉnh cao trong giai đoạn hoàng kim này là ngôi á quân châu Á (Asian Cup) 1968 và vô địch 2 kỳ Á vận hội (Asian Games) liên tiếp tại Bangkok, Thái Lan vào năm 1966 (thắng Iran 1-0 ở chung kết) và 1970 (hòa 0-0, đồng HCV với Hàn Quốc). ĐT Burma còn giành vé vào VCK Thế vận hội Munich 1972 và đứng thứ 3 bảng B (chỉ thua khít khao ĐT Liên Xô và Mexico 0-1, thắng Sudan 2-0).
Tuy nhiên, do những biến động thời cuộc, đất nước bị cô lập, cấm vận, BĐ Myanmar cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại đấu trường khu vực, kể từ khi SEAP Games (Southeast Asian Peninsular Games - Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á) chuyển thành SEA Games (Southeast Asian Peninsular Games - Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á) vào năm 1977, BĐ Myanmar chỉ còn có 2 lần vào đến trận chung kết tại kỳ SEA Games 1993, 2007 và đều chấp nhận HCB trước Thái Lan (đây cũng là thời kỳ BĐ Đông Nam Á chuyển giao quyền lực sang Thái Lan với 11 lần VĐ SEA Games). Còn trong lịch sử 9 kỳ Giải vô địch Đông Nam Á (AFF Cup) đến nay, thành tích cao nhất của BĐ Myanmar chỉ là một lần duy nhất vào bán kết năm 2004 và… đứng thứ 4.
HLV người Hàn Quốc Park Sung Wha hiện nay là nhà cầm quân nước ngoài thứ 8 dẫn dắt ĐT Myanmar, sau các đời HLV: Bert Trautmann (Đức, 1972-1974), Ratomir Dujkovic (Serbia, 1996-1997), David Booth (Anh, 2000-2003), Ivan Venkov Kolev (Bulgaria, 2004-2005), Marcos Falopa (Brazil, 2007-2008), Drago Mamic (Croatia, 2009-2010), Milan zivadinovic (Serbia, 2011). |
Cùng với việc mở cửa, BĐ Myanmar bắt tay đào tạo lại từ lứa cầu thủ trẻ và gặt hái đầu tiên chính là vị trí hạng 3 tại SEA Games 26 hai năm trước sau chiến thắng đậm bất ngờ 4-1 trước U.23 Việt Nam. Lứa cầu thủ trẻ trên đất Indonesia ấy lại được mạnh dạn tiếp tục mang đến Thái Lan tham dự AFF Cup 2012 trong màu áo ĐTQG. Dù Myanmar (cùng Việt Nam) không vào được bán kết, nhưng đó là cuộc thử lửa, cọ xát đầy bổ ích nhằm nhắm đến mục tiêu lọt vào chung kết SEA Games 27 vào cuối năm nay trên sân nhà và xa hơn là tìm lại thời hoàng kim của BĐ Myanmar.
Chiều mai 9-6, khán giả Đồng Nai sẽ có dịp tận mắt quan sát những niềm hy vọng mới của nền BĐ từng làm mưa làm gió Đông Nam Á và sẽ là một trong những đối thủ khó nhằn nhất của BĐ Việt Nam tại SEA Games năm nay.
Đông Kha