Việc các ĐTQG nam liên tục thi đấu không thành công ở sân chơi khu vực trong mấy năm trở lại đây đã khiến cuộc bầu chọn danh hiệu Quả bóng vàng luôn rất khó khăn để tìm được chủ nhân xứng đáng nhất.
Cũng vì khó khăn kéo dài như thế nên năm nay đã xuất hiện ý kiến xem xét khả năng không trao danh hiệu Quả bóng vàng ở hạng mục bầu chọn dành cho cầu thủ nam, đặc biệt là sau kỳ AFF Cup 2012 đáng quên của ĐT Việt Nam, nhưng cuối cùng BTC vẫn quyết định giữ nguyên hạng mục này.
Minh Phương (phải) nhận danh hiệu Quả bóng vàng 2010 và năm nay anh vẫn có tên trong danh sách đề cử. Ảnh: Quang Nhựt
Đây là một lựa chọn hợp lý bởi việc ĐT Việt Nam thi đấu không thành công ở AFF Cup 2012 không hoàn toàn chỉ là trách nhiệm của các tuyển thủ nam, bởi bản thân họ hẳn cũng không mong muốn phải nhận một kết quả thất vọng như vậy. Cho dù ĐT Việt Nam thi đấu thành công hay thất bại ở AFF Cup 2012 thì tất cả các cầu thủ nam cũng đều đã có một năm lao động vất vả, và vì thế vẫn có những cá nhân xứng đáng được tôn vinh vì nỗ lực xuất sắc của mình.
Như người ta vẫn nói “Tấm huân chương nào cũng có mặt trái”, và bất cứ cuộc bầu chọn nào cũng khó có thể mang lại sự hài lòng tuyệt đối cho tất cả. Tuy nhiên, giọt mồ hôi nào cũng quý giá như nhau, và việc ĐTQG thi đấu không thành công ở AFF Cup 2012 không có nghĩa là năm qua bóng đá Việt Nam không có cầu thủ nam nào xứng đáng với danh hiệu Quả bóng vàng.
Ngoài ý nghĩa tôn vinh những cá nhân xuất sắc, danh hiệu Quả bóng vàng còn được xem như là một sự động viên, sự tri ân, hay thậm chí còn được xem là ngày hội của những người tham gia lĩnh vực bóng đá, nên dù bóng đá Việt Nam có một năm thành công hay thất bại thì việc tìm ra những gương mặt nổi bật nhất để trao thưởng vẫn là điều cần làm. Có khi đấy lại chính là động lực để các cầu thủ nỗ lực nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn trong năm sau để ngày hội của mình trở nên trọn vẹn và đầy đủ hơn.
Thethaovanhoa.vn