Báo Đồng Nai điện tử
En

Tản mạn tất niên: "Rồng rắn lên mây"

04:02, 09/02/2013

Đấy là trò chơi dân gian quá phổ biến, đặc biệt với trẻ em ở khắp các miền quê thuở trước, nhưng lâu lắm rồi, không gặp lại, thậm chí nhiều thế hệ thiếu nhi bây giờ đã không còn biết đến rồng rắn lên mây.

Đấy là trò chơi dân gian quá phổ biến, đặc biệt với trẻ em ở khắp các miền quê thuở trước, nhưng lâu lắm rồi, không gặp lại, thậm chí nhiều thế hệ thiếu nhi bây giờ đã không còn biết đến rồng rắn lên mây.

Rồng rắn lên mây gắn với những đêm trăng thanh, gió mát. Lũ trẻ kéo nhau ra sân đình làng hoặc một không gian thoáng đạt, mùi rơm rạ còn sực nức, để rồi thả sức với trò chơi phương thức đơn giản, những câu đồng dao đối đáp, những màn vây ráp đuổi bắt, nhưng đòi hỏi phải nhanh, khéo, đoàn kết, ý thức kỷ luật và khả năng  ứng đối nhanh nhạy, nhất là đối với người dẫn đầu đoàn rồng rắn. Đấy là  triết lý của trò chơi, biết đâu cũng là những bài học cuộc sống đầu đời cho lũ trẻ.

Những ngày cuối của năm rồng sắp cạn, để bước sang những ngày đầu năm con rắn, sự tiếp nối bền chặt, không ngừng, gợi nhớ đến cái trò chơi gắn bó với thuở cơ hàn của bao đứa trẻ : rồng rắn lên mây..., cùng biết bao hoài niệm.Tin chắc, trong cơ man hoài niệm mỗi người, có không ít hoài niệm đẹp với bóng đá Việt Nam. 



Năm mới, bóng đá Việt Nam được hy vọng sẽ khởi sắc hơn. Ảnh: V.S.I

Đấy là bóng đá bao cấp dù nghèo thì khắp Bắc, Trung, Nam, ở đâu người ta cũng có thể kể vanh vách những biểu tượng. Thậm chí, một địa phương có mấy đội bóng đỉnh cao, để rồi không thiếu gia đình phải chia ra các phe khác nhau trong việc chọn thần tượng, đội bóng mình yêu. Hình ảnh khán giả phải sắp hàng, chít hông nhau đúng kiểu rồng rắn lên mây để mua vé, để kịp vào sân có chỗ ngồi, hầu như tuần nào cũng có. Cuối tuần, một không khí chờ đợi bóng đá len lỏi khắp hang cùng, ngõ hẻm. Nhớ lắm mấy cụ hưu trí ở vùng sâu vùng xa, giữ rịt cái đài radio bên người, để lắng nghe hơi thở bóng đá đỉnh cao qua giọng bình luận trứ danh Hoài Sơn, Đình Khải…

Mới đấy, mà như  thời xa vắng. Có thể nói, năm con rồng (2012), thể thao chúng ta thất bát. Olympic không kiếm nổi một tấm huy chương. Bóng đá nội thì đã có sự đổ vỡ toàn diện. Một số cái tên truyền thống tiếp tục giãy chết, tiêu biểu là Khánh Hòa. Mua bán, sang nhượng đội bóng dễ như mớ rau, mớ tép. Làm sao có thể tìm được một buổi chiều cuối tuần, ở một sân bóng nào đó, dòng người rồng rắn nối đuôi nhau mua vé vào sân cổ vũ cho đội bóng thân yêu của mình. Hai trung tâm lớn nhất nước Hà Nội và TP.HCM đang rơi vào khủng hoảng bóng đá chưa có điểm dừng. Có chăng, còn một Sông Lam Nghệ An vẫn giữ được chất truyền thống. Có chăng, một Hải Phòng máu bóng đá chưa bão hòa trong mỗi người dân, nhưng lãnh đạo địa phương này xem ra vẫn chưa thực sự coi bóng đá là tài sản quý giá để tìm cách xây dựng nên giá trị bền vững.Không có khán giả, không có đội bóng truyền thống, không còn màu cờ sắc áo, bóng đá đổ gãy là phải rồi.

Một thiệt thòi cho thế hệ khán giả trẻ sau này, họ đã không được chứng kiến những không khí cuồng nhiệt của bóng đá đỉnh cao, không được xuống đường ăn mừng. Ngay cả bản thân cầu thủ, đành rằng họ sai nhiều trong nhận thức đá bóng, trong thái độ với nghề, nhưng cũng phải đặt ngược vấn đề: đã ai cho họ được đá bóng tử tế chưa?Nếu như ngày trước, SEA Games hay Tiger Cup thực sự là ngày hội bóng đá của người dân cả nước, thì giờ đây, tình cảm dành cho giải đấu này không còn sâu đậm nữa. Trừ một AFF Cup 2008 vô địch may mắn, các đội tuyển quốc gia chỉ mang lại sự phiền muộn cho người hâm mộ.

Thể thao năm rồng, nhưng lại hoá… rồng đất, rồng sa bãi cát. Dễ hiểu bởi rồng muốn thăng hoa thì phải gặp mây gió, tức là, phải có những điều kiện hỗ trợ. Thể thao năm Quý Tỵ, năm rắn, trong bối cảnh nền thể thao vẫn lung lay cái gốc, quả là đáng lo cho chú rắn, sẽ là rắn gì đây? Lo nhất là bóng đá SEA Games, được kỳ vọng kiểu sẵn sàng đánh đổi tất cả để ấy một huy chương vàng bóng đá, nhưng đến nay công tác chuẩn bị vẫn ngổn ngang như đại công trình còn thiếu kiến trúc sư.Chúng ta có gì trong tay để nuôi mộng vô địch?

Thethaovanhoa

 

Tin xem nhiều