Trong các mổ xẻ nguyên nhân thất bại của đội tuyển quốc gia (ĐTQG) tại AFF Cup 2012, cũng như báo cáo của HLV Phan Thanh Hùng, có một vấn đề hầu như không được đề cập đến, đó là thời gian tập trung và kế hoạch chuẩn bị của ĐT có hợp lý?
Trong các mổ xẻ nguyên nhân thất bại của đội tuyển quốc gia (ĐTQG) tại AFF Cup 2012, cũng như báo cáo của HLV Phan Thanh Hùng, có một vấn đề hầu như không được đề cập đến, đó là thời gian tập trung và kế hoạch chuẩn bị của ĐT có hợp lý?
Thay vì tham dự V-League 2013, đội tuyển U.22 sẽ có khoảng 14 đến 16 trận giao hữu trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 2013. Ảnh: T.L |
Cách đây 5 năm, sau thất bại thê thảm của ĐT U.23 dưới thời HLV Riedl ở SEA Games 2007, giới chuyên môn cho rằng việc tập trung ĐT trong thời gian quá dài là phản tác dụng vì gây ức chế cầu thủ và không ĐTQG nào trên thế giới làm. Khi ấy lãnh đạo VFF đã tuyên bố, từ đây chỉ tập trung ĐT ngắn hạn, làm nhiều đợt. Tuy nhiên, ở AFF Cup vừa qua thì sao? Nếu tính từ ngày 4-9, ngày tập trung đợt đầu tiên chuẩn bị cho chiến dịch AFF Cup 2012, đến ngày ĐT Việt Nam thi đấu trận ra quân gặp Myanmar, thầy trò ông Phan Thanh Hùng đã có tổng cộng 2 tháng rưỡi (trừ một số ngày xả trại giữa các đợt chuyển quân) ăn tập cùng nhau, hết Hà Nội đến Nha Trang, TP.Hồ Chí Minh, rồi lại Hà Nội, Nha Trang…
Quỹ thời gian dài nhưng kế hoạch lại thiếu chu đáo và không khoa học. Theo giới chuyên môn, thông thường quá trình chuẩn bị cho một giải đấu của đội bóng trải qua 4 giai đoạn. Đầu tiên là kiểm tra năng lực các cầu thủ có đáp ứng yêu cầu tiêu chí, quan điểm chiến thuật của HLV và rèn nền thể lực. Thời gian này, đội chủ yếu thi đấu nội bộ, tập sức bền. Kế đến là giai đoạn thi đấu giao hữu, lắp ghép đội hình kết hợp sàng lọc, đào thải. Tiếp theo, một đợt nhồi thể lực và nhả dần khối lượng kết hợp với hoàn thiện kỹ, chiến thuật, cũng như xác định đội hình chính thức. Tuy nhiên, chỉ 4 ngày sau khi tập trung, hầu như chưa tập luyện gì, toàn đội đã lên đường sang Malaysia thi đấu trận giao hữu lượt đi, tiếp đó là Indonesia. Việc trận lượt về với Indonesia trên sân Mỹ Đình bị hoãn hơn 3 tuần cũng ảnh hưởng đến kế hoạch tập luyện. Từ Khánh Hòa ĐT phải bay ra Hà Nội rồi ngược vào TP.Hồ Chí Minh dự VFF Cup, sau đó lại trở ra Hà Nội gặp lại Malaysia.
Sự thiếu khoa học và bất hợp lý nhất là trong giai đoạn cao điểm, suốt 10 ngày cuối cùng chuẩn bị cho chiến dịch AFF Cup, VFF không sao thu xếp được cho thầy trò ông Hùng một trận giao hữu quốc tế để hoàn thiện đội hình chiến thuật, rà soát lần cuối mọi đinh vít vận hành của cỗ máy. Một trận đấu như vậy càng đặc biệt cần thiết khi 3 vị trí chủ chốt làm nên xương sống của đội là trung vệ Minh Đức, tiền vệ Tấn Tài và tiền đạo Công Vinh trước đó bị chấn thương vắng mặt trong đội hình một thời gian dài. Sự thiếu sót này dẫn đến tai hại khi trong trận ra quân gặp Myanmar: Công Vinh lạc lõng trong đội hình, trung vệ Minh Đức vì chưa kịp lấy lại cảm giác thi đấu nên dẫn tới pha phạm lỗi không cần thiết khiến ĐT Việt Nam tuột mất chiến thắng.
Xem ra để chuẩn bị cho SEA Games 27, VFF vẫn tiếp tục phương án tập trung ĐT dài hạn, thậm chí nếu dự tính tuyển U.22 (thực chất sang năm là U.23) tham dự V-League thành hiện thực, coi như ĐT tập trung suốt năm. Nay VFF lại hứa hẹn, ĐT U.23 sẽ có 14 - 16 trận giao hữu quốc tế; vấn đề không phải là số lượng bao nhiêu mà chất lượng các đối thủ ra sao và bố trí vào thời điểm nào mới là quan trọng. Bài học của ĐT Thái Lan của HLV Schafer, chỉ có chưa đầy 1 tháng thực sự tập trung, nhưng vẫn đi đến trận chung kết bằng phong độ hết sức thuyết phục rất cần được BĐ Việt Nam xem xét.
Đông Kha