Trước hết, phải chúc mừng chiến tích của Singapore, từ một đội tuyển (ĐT) không hề được đánh giá cao tại kỳ AFF Cup này nhưng họ đã mở đầu bằng cơn địa chấn hạ gục đội ĐKVĐ ngay trên đất Malaysia rồi đi thẳng đến ngôi cao nhất.
Trước hết, phải chúc mừng chiến tích của Singapore, từ một đội tuyển (ĐT) không hề được đánh giá cao tại kỳ AFF Cup này nhưng họ đã mở đầu bằng cơn địa chấn hạ gục đội ĐKVĐ ngay trên đất Malaysia rồi đi thẳng đến ngôi cao nhất. Một đội bóng đã đánh bại cả nhà ĐKVĐ lẫn ứng cử viên số 1 thì không thể nói là đăng quang không xứng đáng. Đặc biệt trong trận chung kết lượt về vừa qua phải khâm phục tinh thần chiến đấu của những “Sư tử biển” khi các học trò ông Avramovic thi đấu như xả thân, không màng đôi chân của mình. Trong thế trận quyết bảo toàn lợi dẫn, ĐT Singapore càng thể hiện phẩm chất kỷ luật chiến thuật. Tất cả 11 vị trí trên sân đều là một khối thống nhất trong cả tư duy và hành động. Đây là yếu tố lớn nhất mà ĐT Việt Nam cần tiếp thu, học hỏi từ nhà tân vô địch.
Singapore lên ngôi lần thứ 4 với những gương mặt rất cũ từ 9 năm trước. Ảnh: T.L |
Tuy nhiên, xét trên bình diện khu vực thì việc Singapore lần thứ 4 đăng quang là một bước thụt lùi của BĐ Đông Nam Á (ĐNA). Khác với 2 năm trước khi Malaysia lần đầu tiên lên ngôi ở AFF Cup bằng một đội hình hoàn toàn trẻ trung mới 1 năm trước là tuyển U.23 vô địch SEA Games, cùng một nhà cầm quân thuần nội, mang đến một sự tươi mới và mở ra hy vọng cho BĐ khu vực; Singapore không mang đến bất kỳ một điều gì mới mẻ. Vẫn lối đá phòng ngự phản công khô cứng chủ yếu dựa trên nền tảng sức mạnh, vẫn một nhà cầm quân và những gương mặt nhập tịch từng lên ngôi cách đây… 8 năm. Phải khâm phục, nhưng một ĐT chủ yếu dựa vào những trụ cột, như: Bennett (34 tuổi), Fahrudin (35 tuổi), Amri (30 tuổi), còn tiền đạo chủ lực là một chân sút… 42 tuổi (Duric) có thể là tương lai của BĐ ĐNA?
Việc Singapore vẫn lên ngôi cao nhất với một đội hình “Sư tử biển” già nua như thế cho thấy mặt bằng và chất lượng BĐ khu vực, vốn đã được xem là vùng trũng của BĐ thế giới, đang đi xuống. Với Malaysia, sau khi trở thành những người hùng với những thành công liên tiếp, HLV và cầu thủ của họ đã xuất hiện sự sớm chủ quan, bằng lòng và… hết bài. Thái Lan dù có nền tảng tốt nhất nhưng trải qua mấy đời HLV ngoại danh tiếng vẫn không giải được bài toán khan hiếm tài năng sau thế hệ vàng hơn 1 thập niên thống trị ĐNA. Indonesia thì chia rẽ trầm trọng. Philippines chỉ là thành công nhất thời từ lực lượng ngoại binh và chỉ đến đấy là hết. Còn Việt Nam là sự khủng hoảng, sai đường của cả một nền BĐ thiếu định hướng và kiên định lập trường. Trên hết, BĐ không thể thiếu ngôi sao. Chất lượng một đội bóng, một giải đấu được làm nên bởi các tài năng cá nhân. Hãy chỉ ra, AFF Cup 2012 giới thiệu được ngôi sao nào được cả người hâm mộ ĐNA quen mặt, thuộc tên như Natipong, Kiatisak của Thái Lan, hay Fandi Ahmad của Singapore trước đây?
Đông Kha