Báo Đồng Nai điện tử
En

Thấy gì từ trận hòa của đội tuyển Việt Nam trước Indonesia?

09:10, 17/10/2012

Ngày 18-10, đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) di chuyển vào TP.Hồ Chí Minh và sẽ có hơn 5 ngày tập luyện, hoàn thiện, khắc phục những hạn chế từ trận giao hữu lượt về với Indonesia trước khi bước vào cuộc sát hạch cuối cùng tại VFF Cup.

Ngày 18-10, đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) di chuyển vào TP.Hồ Chí Minh và sẽ có hơn 5 ngày tập luyện, hoàn thiện, khắc phục những hạn chế từ trận giao hữu lượt về với Indonesia trước khi bước vào cuộc sát hạch cuối cùng tại VFF Cup.

Với trận hòa 0-0 trước Indonesia tại Mỹ Đình vừa qua, ĐTVN đã kéo dài chuỗi trận bất bại trên sân nhà lên con số 6 (4 thắng, 2 hòa, ghi 10 bàn và chỉ mới để thủng lưới 1 bàn), kể từ chiến thắng 1-0 trước tuyển Singapore ở vòng bảng AFF Cup 2010. Không thật hài lòng bởi lẽ ra, ĐT hoàn toàn có thể tìm được một thắng lợi trên sân nhà, nhưng xét về lối chơi, đội hình (nhiều thay đổi theo hướng trẻ hóa) và trong bối cảnh các cầu thủ vừa trải qua giai đoạn tập nặng, thì màn ra mắt chính thức đầu tiên trước khán giả trong nước của HLV Phan Thanh Hùng, theo chúng tôi có thể đạt 6,5 trên thang điểm 10.

Muốn là phiên bản của nhà vô địch Euro 2012

Trung thành với nền tảng mà “ông thầy” Calisto đã dày công xây dựng và đã được áp dụng khá thành công vào Hà Nội T&T, chính là phong cách chơi bóng chủ đạo của ĐT mà HLV Phan Thanh Hùng theo đuổi. Lối chơi ấy dựa trên khả năng kiểm soát bóng với những pha đan lát, đập nhả liên tục ở cự ly ngắn và trung bình, phù hợp với tố chất của cầu thủ VN: nhanh, khéo nhưng hạn chế về thể hình.

Đội tuyển Việt Nam áp đảo đội tuyển Indonesia về thời gian kiểm soát bóng. Ảnh: T.L
Đội tuyển Việt Nam áp đảo đội tuyển Indonesia về thời gian kiểm soát bóng. Ảnh: T.L

Quả thật trong trận đấu với Indonesia người ta đã có dịp chứng kiến những pha phối hợp liên hoàn kết hợp giữa bật nhanh và chạy chỗ (có lúc với sự tham gia của đến 5 cầu thủ) khiến đối phương bối rối và khán giả phải ồ lên thán phục. Tiếc rằng, những pha bóng ấy chỉ bùng lên ở một số thời điểm, chứ không xuất hiện thường xuyên để tạo nên sức ép liên tục, buộc Indonesia phải phạm sai lầm và sụp đổ phòng tuyến.

Về chiến thuật, HLV Phan Thanh Hùng ảnh hưởng rất lớn từ cách vận hành của Del Bosque, đó là lấy tuyến giữa làm chủ đạo, tất cả đều xuất phát từ đây. Đặc biệt kể từ sau khi tiền đạo cắm duy nhất Công Vinh bị chấn thương phải rời sân thay bằng Việt Thắng, sơ đồ chiến thuật của ĐTVN càng giống với một tuyển Tây Ban Nha - không tiền đạo như tại Euro vừa qua (hệt như trường hợp Fabregas, Việt Thắng đóng vai trò “chim mồi” thu hút, lôi kéo để các tiền vệ nhô lên). Sơ đồ này được vận hành dựa trên 2 miếng đánh chủ yếu là xẻ vào 2 nách hàng phòng ngự đối phương và chọc khe cho 2 tiền vệ cánh băng xuống hoặc bật tường, cầm bóng xộc thẳng vào trung lộ của 2 tiền vệ trung tâm. Thực tế những tình huống nguy hiểm nhất trước khung thành Indonesia mà Quốc Anh và Thanh Hưng có được đều từ 2 miếng đánh này.

Chưa đủ độ sát thương

Phải thừa nhận, kỹ thuật cá nhân của các cầu thủ chúng ta hơn hẳn Indonesia. Cứ so sánh pha ngoặt bóng, đảo người liên tục như “rang lạc” của Quốc Anh kéo “trôi” cả hàng phòng ngự đội bạn ở phút 58 và màn trình diễn mờ nhạt của niềm tự hào “Messi của xứ Vạn đảo” (trận này Andik mang áo số 21 chơi ở vị trí tiền vệ cánh phải) thì thấy. Lối chơi tập thể của VN cũng liền lạc, nhuần nhuyễn, rõ nét và ưa nhìn hơn hẳn. Nhưng như tỷ số đã phản ánh, những cơ hội thực sự nguy hiểm mà các học trò HLV Thanh Hùng tạo ra được trước khung thành đối phương thực sự không nhiều (cho dù các cầu thủ chúng ta tung ra đến 12 cú sút, gấp đôi so với Indonesia, nhưng cũng chỉ có 2 pha dứt điểm trúng đích).

Sở dĩ, tiqui-taca của người Tây Ban Nha lên ngôi là nhờ không chỉ đẹp mà còn ở tính hiệu quả. Những pha phối hợp của ĐTVN đẹp thì có đẹp, thậm chí được “dàn dựng” rất công phu, xem rất bắt mắt, rất “đã” nhưng vẫn không đủ độ sát thương, xuyên thủng hàng phòng ngự đối phương. Bởi nó khá đơn điệu chỉ có “một màu” và lặp đi lặp lại.

Lối đá đặt nặng khả năng kiểm soát bóng ở giữa sân và dựa trên kỹ thuật cá nhân khéo léo của VN giờ đây cả Đông Nam Á đều đã “bắt bài” và không khó để hóa giải chỉ bằng lối chơi sức mạnh, đá rát, áp sát như người Mã đã từng làm ở SEA Games 25 và AFF Cup 2010. Do đó, ĐTVN cần phải đa dạng hóa các phương án tấn công, nhiều màu sắc và tinh quái hơn. Bên cạnh những pha phối hợp nhỏ, nhuyễn cần kết hợp những miếng đánh phản công, tiếp cận cầu môn nhanh nhất. Cũng cần mở rộng mặt trận tấn công bằng cách tận dụng tối đa không gian chiều ngang mặt sân để kéo giãn hàng phòng ngự khi đối phương co cụm (thực tế trước Indonesia vừa qua, rất ít những miếng đánh chồng biên xuống sát cột cờ góc - vốn là miếng đánh sở trường của ĐTVN trước đây dưới thời HLV Riedl và 2 hậu vệ cánh Văn Phong, Đình Đồng cũng rất ít tham gia tấn công dù điều kiện cho phép).

Không thể không thừa nhận những nét mới, tiến bộ đầy hứa hẹn về cả con người lẫn lối chơi của ĐTVN dưới triều đại HLV nội Phan Thanh Hùng, nhưng rõ ràng để thành công ở AFF Cup vào cuối năm còn rất nhiều việc phải làm, nhất là phải rèn sắc những vũ khí tấn công. Rất may, ĐT vẫn còn ít nhất đến 5 tuần để hoàn thiện.    

Đông Kha

Tin xem nhiều