Cứ 3 năm một lần, Ban tổ chức (BTC) Premier League - Giải ngoại hạng (NH)Anh lại tổ chức đấu giá bản quyền truyền hình giải đấu này. Dự kiến hôm nay 2-10, BTC Giải NH Anh sẽ phát hành hồ sơ mời đấu giá bản quyền truyền hình Premier League trong 3 mùa giải (từ 2013 đến 2016) tại Việt Nam (VN).
Cứ 3 năm một lần, Ban tổ chức (BTC) Premier League - Giải ngoại hạng (NH)Anh lại tổ chức đấu giá bản quyền truyền hình giải đấu này. Dự kiến hôm nay 2-10, BTC Giải NH Anh sẽ phát hành hồ sơ mời đấu giá bản quyền truyền hình Premier League trong 3 mùa giải (từ 2013 đến 2016) tại Việt Nam (VN).
Các đơn vị sẽ có khoảng một tháng để nghiên cứu hồ sơ trước khi gửi về BTC Giải NH Anh số tiền mà mình đấu giá để giành quyền phát sóng Premier League tại VN.
Người xem truyền hình VN phải móc túi nhiều nhất Đông Nam Á
Thực tế cứ 3 năm một lần, giá bản quyền truyền hình BĐ Anh lại tăng với tốc độ chóng mặt. Cách đây 3 tháng, BTC Giải NH Anh đã hoàn tất thương vụ bán bản quyền truyền hình Premier League trong 3 mùa giải tới cho “liên danh” BT và BskyB với giá là 3 tỷ bảng (tương đương 4,67 tỷ USD). Con số không chỉ làm sửng sốt giới truyền thông nước Anh mà ngay cả với những người điều hành giải đấu này. Mức giá bản quyền 3 mùa giải sắp tới của Premier League đã tăng tới 75% so với 3 năm trước và tăng gấp 10 lần so với cách đây 20 năm, khi Premier League lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1992 với trị giá bản quyền truyền hình lúc ấy chỉ là 305 triệu bảng.
Họp báo giới thiệu về các giải đấu được truyền hình trực tiếp trên các kênh của một đài truyền hình trả tiền mùa bóng 2012 - 2013. Ảnh: T.L |
Do vậy, giá bản quyền Premier League dành cho thị trường VN chắc chắn sẽ tiếp tục “leo thang”. Thực tế, từ khi Giải NH Anh được phát sóng trực tiếp tại VN, chưa bao giờ các đài truyền hình trong nước mua bản quyền trực tiếp từ BTC mà đều phải mua lại qua những đơn vị trung gian nước ngoài, như: ESPN, Star Sport và hiện tại là MP&Silva.
Năm nay, bất chấp tình hình khủng hoảng kinh tế, theo dự báo, các đài truyền hình VN có thể sẽ phải chi tới 30 đến 35 triệu USD (hơn 10 triệu USD một mùa giải) để có bản quyền phát sóng trực tiếp các trận đấu của Premier League trong 3 mùa tới. Mức giá này cao hơn 1,5 lần so với giá của 3 mùa trước (19 triệu USD) và tăng tới 7,5 lần so với giai đoạn 2007-2010 (4 triệu USD).
Tất nhiên, chia sẻ gánh chịu mức phí tổn này không ai khác là người hâm mộ xem truyền hình. Hiện nay, để có thể xem trực tiếp đầy đủ Giải NH Anh (cả gói ngày chủ nhật) qua truyền hình số vệ tinh K+ (truyền hình cáp VN VCTV, truyền hình kỹ thuật số VTC, HTVC chỉ có các trận đấu ngày thứ bảy), mức giá thuê bao bình quân là khoảng 175 ngàn đồng (10 USD)/tháng; so với khán giả các nước trong khu vực, như: Singapore, Malaysia, Thái Lan lần lượt là 64, 15 và 40 USD/tháng.
Song, nếu tính trên mức thu nhập bình quân đầu người (GDP), người xem truyền hình thể thao ở VN đang phải gánh mức phí bản quyền cao nhất Đông Nam Á. Với GDP lần lượt là 16.186 USD/năm, 56.797 USD/năm và 5.300 USD/năm; người hâm mộ Malaysia, Singapore và Thái Lan chỉ bỏ ra số tiền chiếm 1,11%, 1,4% và 9%/năm để thưởng thức các giải đấu ở châu Âu. Trong khi đó, với mức thu nhập bình quân đầu người chỉ là 1.300 USD/năm, người hâm mộ VN phải móc túi đến 12% thu nhập mỗi năm.
Truyền hình VN cần liên minh
Câu hỏi đặt ra, tại sao các đài truyền hình VN lại không trực tiếp đàm phán, mua bản quyền từ BTC Giải NH Anh mà cứ phải chịu mua với giá cắt cổ qua trung gian như hơn 10 năm qua? Tại sao một công ty nước ngoài như MP&Silva lại có quyền đưa ra lời đề nghị “khiếm nhã” là các đài, hệ thống truyền hình trả tiền tại VN không nên cạnh tranh với họ trong việc tham gia đấu giá của BTC Premier League (vốn có phạm vi quốc tế), mà hãy để MP&Silva đứng ra làm đại diện, rồi sau đó nếu mua được sẽ phân phối lại cho các đài tại Việt Nam?
VTV đã đạt được thỏa thuận với công ty Dentsu Alpha, đơn vị nắm giữ bản quyền truyền hình AFF Suzuki Cup 2012, để sở hữu bản quyền truyền hình giải đấu này. Giá trị bản hợp đồng vào khoảng 900 ngàn USD, thấp hơn khá nhiều con số 1,4 triệu USD mà Dentsu Alpha đưa ra ban đầu. |
Câu trả lời là do những lợi ích cục bộ, sẵn sàng “đi đêm”, phá giá để độc quyền bản quyền Giải NH Anh tại VN của các đơn vị truyền hình trong nước. Chính tâm lý cạnh tranh này đã được đơn vị phân phối nước ngoài lợi dụng triệt để, sử dụng những chiêu trò để “kích” giá bản quyền lên cao một cách tối đa có thể.
Đã đến lúc, các đài và hệ thống truyền hình trả tiền tại VN cần kết thành một liên minh, cùng có tiếng nói chung trong đàm phán bản quyền BĐ quốc tế. Vấn đề là khi đã liên minh, các đơn vị truyền hình trong nước phải thật sự có thiện chí hợp tác cùng nhau, cam kết không xé lẻ, “đi đêm” với đối tác để tìm cách sở hữu độc quyền. Chỉ khi nào các đơn vị truyền hình VN đạt được sự nhất trí cao trong cả văn bản cũng như hành động cụ thể thì lợi ích của đất nước (ngoại tệ), doanh nghiệp và người xem mới cùng được bảo đảm.
Hoàng Huy