Báo Đồng Nai điện tử
En

Bàn cờ thế của đội tuyển Việt Nam: Thấy rồi đó, phá ra sao?

10:10, 29/10/2012

Sau trận gặp Turmenistan, HLV Phan Thanh Hùng giải thích sự bế tắc của đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) là do đối phương rất khỏe và áp dụng lối chơi áp sát liên tục, tranh chấp quyết liệt. Ông cũng dự báo chắc chắn ở AFF Cup tới, các đối thủ cùng bảng của ĐTVN đều chơi như vậy.

Sau trận gặp Turmenistan, HLV Phan Thanh Hùng giải thích sự bế tắc của đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) là do đối phương rất khỏe và áp dụng lối chơi áp sát liên tục, tranh chấp quyết liệt. Ông cũng dự báo chắc chắn ở AFF Cup tới, các đối thủ cùng bảng của ĐTVN đều chơi như vậy.

Những sự thay đổi người của HLV Phan Thanh Hùng trong trận gặp Turkmenistan chưa mang đến sự đột phá. Ảnh: T.L
Những sự thay đổi người của HLV Phan Thanh Hùng trong trận gặp Turkmenistan chưa mang đến sự đột phá. Ảnh: T.L

Thực ra điều này không mới, với lối chơi nhỏ nhuyễn, dựa vào kỹ thuật cá nhân khéo léo; cứ mỗi khi đối phương chủ động chơi pressing, áp sát và đá rát là các cầu thủ Việt Nam  lập tức gặp rắc rối trong việc triển khai ý đồ chiến thuật. Ngay từ trận chung kết SEA Games 24-2009 trên đất Lào, ĐT U.23 Malaysia đã dùng vũ khí này để khắc chế đội quân của Calisto đang ngùn ngụt khí thế “lấy vàng sau nửa thế kỷ”. Một năm sau ở cả 2 trận bán kết AFF Cup 2010, thầy trò ông “Tô” cũng không phá được bàn cờ thế mà người Mã giăng ra ấy.

Là truyền nhân của vị HLV người Bồ, lại được sự cổ vũ từ “hình mẫu” Tây Ban Nha ở Euro 2012, HLV Thanh Hùng thậm chí còn đề cao hơn lối chơi tất cả dựa trên khả năng kiểm soát bóng. Tuy nhiên, trình độ giữa các cầu thủ Việt Nam và các nhà vô địch thế giới, châu Âu là một trời một vực. Lối chơi, tạm gọi là theo “trường phái tiqui taca” đành rằng phù hợp với tố chất của cầu thủ Việt Nam, nhưng rất mong manh, dễ vỡ (và đã bị cả Đông Nam Á “bắt bài”). Một đội bóng chiếu dưới, ít chiêu, nhưng biết chơi hợp lý, phát huy tối đa yếu tố thể lực và kỷ luật chiến thuật, cũng đủ làm khó Việt Nam. Philippines từng đánh bại Việt Nam  2-0 ngay tại Mỹ Đình ở vòng bảng AFF Cup 2 năm trước là một điển hình.

Việc 3 trận liên tiếp gặp Indonesia và Turmenistan, ĐT đều không ghi bàn và vẫn loay hoay với các phương án tiếp cận cầu môn, cho thấy chúng ta cần nhiều hơn một phong cách và tiêu chí làm chiến thuật. Ban huấn luyện đã dự báo được các đối thủ tại AFF Cup sẽ chơi như thế nào khi gặp Việt Nam. Đó là “biết người”, còn “ta” thì sao?

Một trong những cách giải “bàn cờ thế” này là phải tăng cường đánh biên nhiều hơn. Khá ngạc nhiên là ĐT hiện đang sở hữu 2 cầu thủ chạy cánh tài hoa thuộc vào hàng bậc nhất khu vực, có khả năng tạo đột biến cao là Vũ Phong và Thành Lương; nhưng dưới triều đại HLV Phan Thanh Hùng đến nay họ chỉ được dùng như sự lựa chọn thứ hai sau Quốc Anh và Văn Quyết. Do phong cách chơi của hai nhà vô địch VFF Cup 2008 không phù hợp với quan điểm, tư duy chiến thuật của HLV trưởng, hay ông Hùng muốn “giấu bài”?

Hãy tiếp tục thử nhưng cần phải cho ra nghiệm!

Đông Kha

 

 

 

Tin xem nhiều