Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt, Việt Nam (VN) đã chính thức gửi đơn xin đăng cai Á vận hội (Asiad, ASEAN Games) 2019 đến Hội đồng Olympic châu Á (OCA).
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt, Việt Nam (VN) đã chính thức gửi đơn xin đăng cai Á vận hội (Asiad, ASEAN Games) 2019 đến Hội đồng Olympic châu Á (OCA).
Nếu đăng cai ASEAN Games 2019, đoàn thể thao Việt Nam sẽ có cơ hội lọt vào top 10. Ảnh: T.L |
Đề án vận động đăng cai ASEAN Games 18-2019 tại VN được hoàn thiện và gửi trình Chính phủ từ tháng 4-2012. Khi ấy, nhiều ý kiến cho rằng việc đăng cai tổ chức một kỳ ASEAN Games với tổng kinh phí dự kiến lên tới 150 triệu USD (khoảng 3 ngàn tỷ đồng VN) là không cần thiết và lãng phí, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế đất nước và trình độ nền thể thao VN. Tuy nhiên, chỉ cách 2 tháng trước ngày OCA công bố nước chủ nhà của ASEAN Games 2019, VN đã gửi hồ sơ xin đăng cai kỳ Á vận hội này.
Theo đề án, ASEAN Games 18 sẽ được tổ chức vào tháng 11-2019 tại Hà Nội với sự tham gia của gần 12 ngàn HLV, VĐV, quan khách quốc tế, trọng tài của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á. Riêng đội ngũ phóng viên tham gia đưa tin dự kiến cũng vào khoảng 2 ngàn - 3 ngàn người. Nếu VN được đăng cai tổ chức, sẽ có 35 môn thi đấu, gồm có 26 môn thi Olympic và 9 môn khác, trong đó có 4 môn nước chủ nhà đề xuất là: vovinam, đá cầu chinh, cờ và squash.
Ngoài việc thi đấu chính tại Hà Nội, còn có 14 địa điểm tổ chức phụ của ASEAN Games 18, dự kiến gồm: TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Thuận, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam và Phú Thọ.
Theo bản đề án đăng cai ASEAN Games 2019, việc đăng cai tổ chức ASEAN Games 18 sẽ tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển, bởi theo quy hoạch đến năm 2020, VN sẽ trở thành nước công nghiệp toàn diện, cùng với đó là cơ sở hạ tầng cũng phải phát triển tương xứng đúng với chủ trương “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Wei Ji Zhoung, Phó chủ tịch danh dự của OCA - người đã từng cố vấn Ban tổ chức Asean Indoor Games 3 tại VN vào năm 2009, chỉ cần nâng cấp những công trình thể thao từng được đầu tư cho SEA Games 2003 và Đại hội thể thao trong nhà châu Á đủ để VN đăng cai Á vận hội. Cơ sở vật chất duy nhất cần xây mới là sân đua xe đạp lòng chảo với khoảng 3 ngàn chỗ ngồi. Với một số môn thể thao mới, chưa phổ cập ở VN, như: bóng chày, bóng bầu dục hay hockey, VN chỉ cần xây đơn giản để sau này có thể chuyển đổi cho các mục đích sử dụng khác.
Theo OCA, sau khi Hồng Kông, Malaysia và Ấn Độ rút lui, tính đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 4 ứng viên gửi hồ sơ xin đăng cai Á vận hội lần thứ 18-2019 là: Đài Loan, Indonesia, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và VN. Tại phiên họp toàn thể vào ngày 3-11 ở Macau, OCA sẽ chính thức công bố nước chủ nhà của ASEAN Games 2019.
Trong lịch sử 16 lần tổ chức Asiad kể từ năm 1951, mới chỉ có 3 quốc gia Đông Nam Á đăng cai là: Philippines (1954), Indonesia (1962) và Thái Lan (4 lần: 1966, 1970, 1978 và 1998).
Quốc Long