Báo Đồng Nai điện tử
En

Hậu “bầu” Kiên bị bắt: Mất “ai đồ”, lấy ai… đỡ ?!

09:08, 24/08/2012

Vào google gõ 2 từ “bầu Kiên”, kết quả cho ra 10 triệu 200 ngàn tìm kiếm. Con số ấy đủ cho thấy mức độ “hot” của nhà doanh nghiệp và “ông bầu” bóng đá (BĐ) sinh năm 1964 này. Chính vì vậy, sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt đã gây rúng động dư luận những ngày qua, đặc biệt đối với làng bóng đá VN - nơi mà 2 năm qua “ông bầu” này trở thành “ai đồ” (Idol), luôn ở trung tâm của giới truyền thông BĐ.

Vào google gõ 2 từ “bầu Kiên”, kết quả cho ra 10 triệu 200 ngàn tìm kiếm. Con số ấy đủ cho thấy mức độ “hot” của nhà doanh nghiệp và “ông bầu” bóng đá (BĐ) sinh năm 1964 này. Chính vì vậy, sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt đã gây rúng động dư luận những ngày qua, đặc biệt đối với làng bóng đá VN - nơi mà 2 năm qua “ông bầu” này trở thành “ai đồ” (Idol), luôn ở trung tâm của giới truyền thông BĐ.

* Đi đâu, về đâu?

Hẳn nhiên hoang mang nhất là các thành viên của 2 đội bóng thuộc sở hữu của “bầu” Kiên: CLB Hà Nội (HN) và Trẻ HN.

Có sự khác biệt nào giữa bầu Kiên (giữa), ông chủ bóng đá và một doanh nhân?     Ảnh: T.L
Có sự khác biệt nào giữa bầu Kiên (giữa), ông chủ bóng đá và một doanh nhân? Ảnh: T.L

Là “ông bầu” đi tiên phong trong việc nhảy vào lãnh vực BĐ ngay từ năm 2000 với việc tiếp quản đội Đường sắt VN đổi tên thành ACB (Ngân hàng Á châu), đồng thời cũng là “ông bầu” đầu tiên mời HLV nước ngoài dẫn dắt CLB (năm 2003 với cựu danh thủ người Hungary Detari).

So với các đồng nghiệp: “bầu” Thắng, “bầu” Đức và cả người đến sau “bầu” Hiển - những “ông bầu” đã ít nhất 2 lần bước lên bục cao nhất; ông Kiên với thành tích các đội bóng  (từ ACB đến LG.ACB, LG.HN ACB rồi lại HN.ACB và nay là CLB bóng đá HN), có thể gói gọn trong 2 chữ: thất bại! Trong lịch sử 8 lần tham dự giải đấu cao nhất quốc gia V-League (tính cả mùa 2012 vừa kết thúc), đã có tới 6 lần mà đội bóng của “bầu” Kiên phải vật lộn với cuộc chiến trụ hạng cho đến giờ phút cuối cùng, trong đó có đến 3 lần rớt hạng.

Mùa giải 2012 vừa khép lại, chỉ 24 giờ sau khi CLB HN trụ hạng ở V-League và một ngày trước đó là Trẻ HN ở Giải hạng nhất, “ông bầu” nổi tiếng của 2 CLB này đã sa vòng lao lý. Tin như sét đánh giữa trời quang, 2 đội bóng vừa thoát chết giờ lại rơi vào cảnh… chờ chết của “rắn mất đầu”.

Theo như khẳng định của ACB, ông Kiên không còn vai trò gì và cũng đã thoái vốn, không còn là cổ đông lớn của ngân hàng này; nên đồng nghĩa với việc ACB chẳng còn quan hệ, trách nhiệm nào với 2 CLB HN, ngoài khoản tài trợ gắn tên trên áo đấu. Thực chất, sau khi tiếp nhận Hòa Phát HN, toàn bộ hoạt động của Công ty cổ phần BĐ HN (chủ sở hữu CLB HN ở V-League) và Công ty cổ phần thể thao ACB (quản lý đội hạng nhất Trẻ HN) đều là từ tiền túi của “bầu” Kiên (tiền đó ở đâu ra lại là chuyện khác). Bây giờ ông chủ bị bắt, số phận của hơn 100 con người từ ban huấn luyện, nhân viên, cầu thủ… ở 2 CLB này sẽ ra sao?

Không kể việc “bầu” Kiên còn nợ nửa lương tháng 8 và khoản thưởng 500 triệu đồng cho chiến thắng trước V.Hải Phòng để CLB HN trụ hạng, sẽ có hàng loạt những vấn đề pháp lý phức tạp nảy sinh. Ví như với những bản hợp đồng còn dang dở (như bản hợp đồng của Công Vinh mà tổng giá trị theo tiết lộ của mẹ anh là 13 tỷ đồng cho 3 năm, nay mới qua 1 mùa thực hiện) hay vừa tái ký mà cầu thủ chưa hoặc đã nhận hết khoản “lót tay”, giờ làm sao thanh lý và thanh lý với ai để cầu thủ tìm bến đỗ mới. Và câu hỏi lớn nhất: tồn tại hay không tồn tại với 2 đội bóng này?

Một tương lai bất định mà không ai có thể có câu trả lời, ngoài ông Kiên… đang trong trại giam.

* Và VPF mất cả đầu lẫn… miệng

Có thể nói thẳng, không có “bầu” Kiên và cái bản đề án “viết xong chỉ trong 2 tiếng đồng hồ” sẽ không có sự ra đời của cuộc “cách mạng” mang tên VPF.

Không chỉ là người khai sinh, “kiến trúc sư trưởng” mà Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên còn là linh hồn; người quyết sách, phát ngôn mọi chuyện lớn, bé và cả… kiếm tiền cho tổ chức này. Ai cũng thấy trong 3 nhân vật chính của VPF, Phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức sau này quá bận rộn việc kinh doanh ở nước ngoài hiếm khi tham gia vào đời sống BĐ; còn “bầu” Thắng, tiếng là chủ tịch nhưng chỉ là cái danh, hơn nữa ông chủ gạch Đồng Tâm lo chuyện nợ nần, lời lỗ của doanh nghiệp mình còn không hết; cho nên nhân vật quyền lực nhất vẫn là ông phó Kiên. 

Việc VPF ra thông báo khẳng định ông Kiên bị bắt không ảnh hưởng gì đến các thành viên HĐQT cũng như hoạt động của VPF, chẳng qua là một động tác trấn an, không thể không lên tiếng; chứ ai cũng thấy mất nhân vật trụ cột lắm mưu lược và miệng “có gang có thép” áp đảo đối phương như “bầu” Kiên, coi như từ đây VPF mất cả cái đầu lẫn… miệng.

Ảnh hưởng nhỡn tiền lớn nhất, đó là vấn đề nguồn thu “bản quyền truyền hình”, vốn được coi là “thành tích” ấn tượng nhất của VPF so với VFF, giúp củng cố uy thế, mạnh miệng cho VPF; nhưng lại chủ yếu có được từ mối quan hệ cá nhân của ông phó chủ tịch trong lãnh vực tài chính, ngân hàng. 50 tỷ đồng mà các đơn vị, doanh nghiệp được “bầu” Kiên thuyết phục bỏ ra “ủng hộ” cho BĐ bằng cách “mua sóng” quảng cáo trong các trận đấu trực tiếp truyền hình V-League ở hơn nửa sau của mùa giải vừa qua, VPF thực chất đã nhận được bao nhiêu, khả năng giải ngân sau đây ra sao? Và sang năm 2013, “bầu” Kiên từng hứa hẹn con số này sẽ tăng lên 100 tỷ, nay ông “xộ” khám (cùng với có thể sau đây sẽ kéo theo rất nhiều những hệ lụy của ngành ngân hàng), “cái bánh vẽ” bản quyền truyền hình sẽ đi đâu về đâu, hay lại “đi dăm phút trở về chốn cũ”?

Chắc chắn chuyện sẽ còn rất nhiều những diễn biến, ảnh hưởng phức tạp. Đây là hậu quả của việc để cho cả nền BĐ bỗng chốc trở thành “con tin” của một cá nhân “ông bầu” mà cứ tưởng là đổi mới.

Minh Chung

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích