Vì sao cầu thủ Nguyễn Thành Trung lại sơ suất đến mức dùng số điện thoại thật của chính mình để gọi cho các cầu thủ TP.Hồ Chí Minh và Đồng Tâm Long An móc nối “bán độ”, dù “sim rác” bây giờ đầy rẫy? Và sau đó, khi được phóng viên các báo gọi lại Trung vẫn nghe và trả lời bình thản?
Vì sao cầu thủ Nguyễn Thành Trung lại sơ suất đến mức dùng số điện thoại thật của chính mình để gọi cho các cầu thủ TP.Hồ Chí Minh và Đồng Tâm Long An móc nối “bán độ”, dù “sim rác” bây giờ đầy rẫy? Và sau đó, khi được phóng viên các báo gọi lại Trung vẫn nghe và trả lời bình thản? Chỉ có thể giải thích bởi 2 lý do: cựu cầu thủ Sài Gòn Xuân Thành (SGXT) không nghĩ đối tượng sẽ tố cáo và theo anh ta, đây chỉ là việc “mua điểm” - chuyện vốn bình thường, nhất là ở Giải bóng đá hạng nhất quốc gia.
Cầu thủ đội Long An “tố” cựu cầu thủ Nguyễn Thành Trung (phải) gạ bán độ. Ảnh: T.L |
Giở lại hồ sơ ở mùa giải năm rồi, SGXT của Trung - sau khi bách chiến bách thắng để sớm đoạt vé thăng hạng trước 4 vòng đấu, bỗng dưng đổ bệnh.
Vừa thắng Cần Thơ tưng bừng 7-3 để chính thức lên Giải bóng đá vô địch quốc gia (V-League), SGXT đã dễ dàng phơi áo 1-3 trước Tây Ninh - cái tên đang đứng sau nghi vấn tiêu cực hiện nay. Lúc bấy giờ, đội bóng Đông Nam bộ cũng đang đối mặt với nguy cơ xuống hạng và chính nhờ trận thắng “bất ngờ” trước đội vô địch này mà Tây Ninh mới có được 27 điểm, thoát chết nhờ chỉ hơn Nam Định về hiệu số.
Tiếp đó, SGXT lại “tặng” cho TP.Hồ Chí Minh cũng đang trong cơn khốn khó, 1 điểm, giúp đội bóng cùng địa bàn đóng quân về đích an toàn với chỉ 1 điểm nhiều hơn Nam Định.
Đỉnh điểm của vở kịch là trận thua trước Bình Định ngay trong ngày nhận cúp vô địch. Sớm có bàn dẫn trước ở hiệp 1, nhưng sang hiệp 2, hàng hậu vệ toàn “hàng tuyển” của SGXT đã 2 lần để cho Đức Thiện của Bình Định đi bóng như chỗ không người, thắng lại 2-1. Khi ấy, Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Nguyễn Hùng Dũng, đồng thời vẫn còn là chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.Hồ Chí Minh, đã đùng đùng nổi giận bỏ về vì “không thể xem kịch”; còn Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ phải lên trao cúp cho đội bóng của bầu Thụy trong tâm trạng đầy bẽ bàng. Vấn đề là, SGXT vẫn nhận cúp, còn Bình Định thì tiếp tục hi vọng thăng hạng khi rút ngắn khoảng cách với Kiên Giang xuống còn 2 điểm.
Đó là những trận đấu mà SGXT đơn thuần là “nhà giàu” đi làm “từ thiện” hay là kết quả của việc mua, bán điểm từ một số vị trí chủ chốt? Là thành viên trong cuộc, Thành Trung hẳn biết rõ câu trả lời. Phải chăng “bài học kinh nghiệm” và những mối “lương duyên” ấy đã được Trung sử dụng cho vai trò mới: “cò môi giới”, khi có đến 2/3 cái tên CLB liên quan đến những trận đấu bất thường của SGXT mùa rồi nay lại xuất hiện?
Thực chất nạn tiêu cực, tệ nhường hoặc mua điểm vẫn tồn tại lâu nay ở Giải bóng đá hạng nhất quốc gia, đặc biệt là vào giai đoạn cuối; chẳng qua bây giờ mới vỡ lở. Có một điều chắc chắn, nếu là V-League, Thành Trung và những kẻ “làm độ” sau lưng anh sẽ không dám bất cẩn, chủ quan như thế. Bởi, Giải bóng đá hạng nhất quốc gia lâu nay vốn được coi là “ở xa mặt trời”, ít nhận được sự quan tâm, chú ý của cả VFF (nay là VPF - Công ty cổ phần chuyên nghiệp bóng đá Việt Nam) lẫn công luận, người hâm mộ.
Điển hình, một số trận đấu của Sài Gòn FC mới chỉ là nghi vấn “có biểu hiện không bình thường”, cơ quan an ninh và ban tổ chức đã lập tức có văn bản nhắc nhở, yêu cầu CLB báo cáo, đình chỉ thi đấu cầu thủ. Trong khi đó, hơn 1 tuần trước vụ Thành Trung móc nối với cầu thủ Đồng Tâm Long An nổ ra, lãnh đạo CLB TP.Hồ Chí Minh đã có báo cáo về việc cầu thủ của mình bị gạ “chích” trước trận đấu với chủ nhà Tây Ninh, thế nhưng ban tổ chức vẫn bình chân như vại, không hề có bất kỳ động thái nào dù chỉ là lên tiếng răn đe, nhắc nhở, coi như “chuyện không có gì mà ầm ĩ”. Như vậy, suy cho cùng, những tiêu cực của bóng đá Việt Nam, không chỉ xuất phát từ cầu thủ, đội bóng, mà có trách nhiệm của cả cấp cao nhất.
Hãy chờ xem câu chuyện này sẽ được làm rõ đến đâu và xử lý ra sao?
Đông Kha