Cuộc “đấu khẩu” và “đấu công văn” đang và sẽ còn diễn ra phức tạp nếu các bên (VFF, AVG và VPF) vẫn khăng khăng giữ quan điểm của mình mà không có một cấp quản lý cao hơn đứng ra làm trọng tài, quyết định. Nguy hiểm hơn là do lợi ích cá nhân đã xuất hiện rất nhiều thông tin trái chiều, gây nhiễu loạn, khiến dư luận hoang mang, không biết ai đúng, ai sai. Để có cái nhìn khách quan, Báo Đồng Nai giới thiệu 2 bài phân tích của nhà báo thể thao Nguyễn Nguyên và luật sư Trần Vũ Hải.
Cuộc “đấu khẩu” và “đấu công văn” đang và sẽ còn diễn ra phức tạp nếu các bên (VFF, AVG và VPF) vẫn khăng khăng giữ quan điểm của mình mà không có một cấp quản lý cao hơn đứng ra làm trọng tài, quyết định. Nguy hiểm hơn là do lợi ích cá nhân đã xuất hiện rất nhiều thông tin trái chiều, gây nhiễu loạn, khiến dư luận hoang mang, không biết ai đúng, ai sai. Để có cái nhìn khách quan, Báo Đồng Nai giới thiệu 2 bài phân tích của nhà báo thể thao Nguyễn Nguyên và luật sư Trần Vũ Hải.
Nếu VPF sai và tiếp tục sai…
Đặt câu hỏi đấy vì nó liên quan đến công văn mà bầu Kiên đại diện VPF “cho phép” VTV được truyền và phát sóng các trận đấu mà trước đó LĐBĐ VN đã trao cho AVG độc quyền truyền hình. Cuộc chiến mà những ngày qua dư luận đề cập nhiều nghe có vẻ như là cuộc chiến giữa bầu Kiên và ông Chủ tịch Công ty AVG Phạm Nhật Vũ về cái gọi là đi đòi lại sự công bằng cho bóng đá Việt Nam.
Tất nhiên việc đòi lại công bằng cho bóng đá Việt Nam như cái cách mà nhiều người đang làm và đang nhân danh không thể đi ra ngoài phạm vi của luật pháp được. Ở đây, nhiều người đang nhầm lẫn với việc LĐBĐ VN ký hợp đồng quá lỗ, quá thiệt thòi khi bán lúa non cho AVG với việc VPF làm “người hùng” khi đi đòi lại những gì đã mất cho bóng đá Việt Nam.
Cuộc chiến bản quyền truyền hình bùng nổ ngay trước mùa giải mới, bên cạnh “Cuộc chiến công văn” của AVG và VPF. Ảnh: T.L |
Sẽ là “người hùng” nếu VPF thuyết phục được AVG qua khả năng thương thảo bằng cách biết và tôn trọng luật chơi lẫn tinh thần fair-play. Còn ngược lại, nếu sử dụng công cụ kiểu to mồm hoặc kiểu Chí Phèo với suy nghĩ “LĐBĐ VN ký với AVG là việc của LĐBĐ VN, còn việc chúng tôi tổ chức giải “của chúng tôi” và chúng tôi có quyền mời ai trực tiếp là “quyền của chúng tôi” thì VPF đã tự làm giảm đi uy tín của mình trước phút khai cuộc rất nhiều. Điều này còn làm nhiều người nghi ngờ vào khả năng tổ chức của VPF với tiêu chí sạch, công minh và rõ ràng.
Có thể nói “thiện chí một cách quyết liệt” với việc đòi lại “phần lỗ” của bản quyền truyền hình mà LĐBĐ VN “lỡ ký” đã khiến VPF đặt “người ủy nhiệm” cho mình tổ chức giải là LĐBĐ VN vào thế khó. Cái khó là AVG có thể đưa LĐBĐ VN ra tòa và thậm chí là có thể thòi ra những phần mà LĐBĐ VN vội vàng bán mão sản phẩm của các đội bóng những 20 năm dù nhiệm kỳ của VFF khóa VI đến năm 2013 là chấm dứt.
Chưa vội nói chuyện đúng, sai hay lời, lỗ từ bản hợp đồng mà LĐBĐ VN bán cho AVG; cũng chưa vội nói đến những “chấm, phẩy” và uẩn khúc trong hợp đồng 20 năm này nhưng kiểu gì thì VPF khi tổ chức giải phải tuân thủ những gì LĐBĐ VN đã ký kết với các đối tác.
Tôi tin nếu ai cũng vì bóng đá Việt Nam thực sự thì cả ba bên LĐBĐ VN, AVG và VPF sẽ không khó ngồi lại với nhau vì cái gọi là cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Ầm ĩ trong thời gian qua là tại VPF nhanh quá và thích thể hiện cái quyền của mình sớm quá.
Nó cũng giống các ông bầu cướp diễn đàn của LĐBĐ VN và thành công vì LĐBĐ VN quá yếu, quá sai và nghĩ AVG cũng thế.
Thế nên, có thể lặp lại câu: “Nếu VPF sai và tiếp tục sai thì bóng đá Việt Nam sẽ đi về đâu?”.
Cuộc chiến pháp lý giữa VPF - LĐBĐ VN - AVG
VPF có trách nhiệm với AVG không? Nếu đưa nhau ra tòa, FIFA có tuýt còi không? Để VPF nắm bản quyền một cách độc lập thì phải có những điều kiện cần và đủ như thế nào?
Đầu tiên là hợp đồng giữa LĐBĐ VN và AVG có vô hiệu không? Theo bầu Kiên, bản quyền TH giải BĐ chuyên nghiệp thuộc quyền sở hữu chung của VFF và các CLB. Tuy nhiên, bầu Kiên không nhắc đến điều lệ của VFF, được các thành viên trong đó có các CLB thông qua, được xây dựng theo hướng dẫn của FIFA, được Bộ Nội vụ phê duyệt ngày 19-3-2010. Điều lệ này có giá trị như một thỏa thuận giữa VFF và các thành viên, được FIFA và pháp luật VN bảo hộ. Về bản quyền truyền hình. Theo đó, các thành viên (trong đó có các CLB) thông qua điều lệ giao quyền cho BCH quyền quyết định về bản quyền TH của các giải đấu (bao gồm cả giải BĐ chuyên nghiệp). BCH VFF đã quyết định hợp tác với AVG về bản quyền TH. Mặt khác, Nghị quyết Đại hội thường niên của VFF 2010 đã chấp thuận hợp tác về bản quyền với AVG. CLB của bầu Kiên (trước đây là Hà Nội ACB) là thành viên của VFF đã tham gia thông qua nghị quyết này và cũng không có văn bản khiếu nại gửi đến VFF. Như vậy, lập luận của bầu Kiên là các CLB không ủy quyền cho VFF là không chính xác vì với việc thông qua điều lệ của Liên đoàn, các CLB đã ủy quyền cho BCH VFF quyết định về vấn đề bản quyền TH.
Việc đưa nhau ra tòa cũng cần phải đúng theo luật và quy định trong đó có quy định của FIFA vì nếu sai quy trình thì BĐVN sẽ bị cấm cửa ở các đấu trường quốc tế.
Trong công văn ngày 29-12-2011 của VPF do bầu Kiên ký gửi cho VTV để trao quyền TH có nêu căn cứ Nghị quyết 426 của VFF ngày 28-12-2011 để khẳng định quyền của VPF. Tuy nhiên, trong Nghị quyết 426 cũng có một nội dung rất quan trọng nhưng chưa thấy dẫn, đó là VPF có nghĩa vụ kế thừa các hợp đồng VFF đã ký liên quan đến giải bóng đá chuyên nghiệp còn hiệu lực, trong đó có hợp đồng giữa VFF và AVG. Việc phủ nhận trách nhiệm thực hiện hợp đồng với AVG là phủ nhận Nghị quyết 426 của LĐBĐ VN, phủ nhận những điều mà đại diện các CLB đã thông qua nghị quyết trong cuộc họp BCH.
Với những điều khoản của Luật TDTT và Điều lệ của LĐBĐ VN thì VFF là chủ sở hữu giải VĐQG và các giải BĐ chuyên nghiệp. VPF điều hành các giải BĐ chuyên nghiệp chỉ với tư cách người nhận ủy quyền từ VFF trên cơ sở hợp đồng ủy quyền giữa VFF và VPF (hiện hợp đồng này chưa được hai bên ký kết). Do chưa có hợp đồng ủy quyền này, VPF muốn trao quyền TH cho ai phải được sự đồng ý của LĐBĐ VN.
Cho dù thế nào, với tư cách cơ quan tổ chức trận đấu VPF phải tuân theo quy định về giải quyết tranh chấp theo Điều lệ của LĐBĐ VN (Điều 61 và 62). Tức tranh chấp này không thể được giải quyết ở tòa án, mà phải giải quyết trong nội bộ của VFF hoặc tại tòa trọng tài do LĐBĐ VN lập ra. Nếu VPF đưa tranh chấp với VFF ra giải quyết tại tòa án, FIFA sẽ can thiệp và đưa ra biện pháp ngăn chặn như đã từng làm với một số quốc gia, kể cả cấm hoạt động BĐ quốc tế.
Nếu CLB nào (và VPF khi trở thành thành viên của LĐBĐ VN) cho rằng hợp đồng giữa VFF và AVG ảnh hưởng đến quyền lợi của họ thì phải làm theo đúng quy định của FIFA: Đầu tiên là khiếu nại đến Ban chấp hành VFF, đại hội thường niên của VFF cũng như các cơ cấu giải quyết tranh chấp của VFF (ban giải quyết khiếu nại, tòa trọng tài). Nếu AVG cho rằng có đài truyền hình nào vi phạm bản quyền của AVG, họ có quyền kiện đài truyền hình này ra tòa án, yêu cầu Thanh tra Bộ VH-TT&DL xử lý, đề nghị Ban Kỷ luật của VFF ra lệnh cấm những cá nhân liên quan của đài vi phạm vào sân. Tương tự như vậy, AVG và VFF có quyền đề nghị Ban Kỷ luật của VFF xử lý kỷ luật các quan chức liên quan đến tổ chức trận đấu có hành vi tiếp tay cho các đài truyền hình vi phạm bản quyền của AVG.
Nguyễn Nguyên - LS. Trần Vũ Hải