Báo Đồng Nai điện tử
Chủ nhật, 27/04/2025, 00:10 En

Lại độc quyền truyền hình

09:12, 29/12/2010

Con số 6 tỷ đồng/năm (và mỗi năm tăng 10% trong vòng 10 năm) tiền bản quyền truyền hình BĐ mà VFF bán cho AVG, nếu so với hơn 3 tỷ mà 2 đài VTV và VTC trả trong năm 2010, nghe qua thật to.

Con số 6 tỷ đồng/năm (và mỗi năm tăng 10% trong vòng 10 năm) tiền bản quyền truyền hình BĐ mà VFF bán cho AVG, nếu so với hơn 3 tỷ mà 2 đài VTV và VTC trả trong năm 2010, nghe qua thật to. Nhưng nếu đem chia cho toàn bộ 182 trận đấu/mùa của V-League thôi (26 vòng, mỗi vòng 7 trận) thì bản quyền mỗi trận đấu chỉ chừng 33 triệu đồng/trận, trong khi đó số tiền mà VTV mua mỗi trận đấu tại V-League mùa rồi đã là hơn 40 triệu đồng (có điều mỗi tuần VTV và VTC chỉ "mua" 3-4 trận mà thôi). Rõ ràng, VFF chỉ thấy mỗi cái lợi là mình thu về gấp đôi mà không nhìn thấy hết cái lợi cho BĐ nói chung và thương hiệu giải VĐQG chẳng tăng được bao nhiêu. Còn vì sao tiền bản quyền truyền hình BĐ của VN quá thấp trong khi nguồn thu này vốn là yếu tố quyết định của BĐ chuyên nghiệp, đơn giản vì hầu hết các đài TH ở VN hiện vẫn phải phát sóng miễn phí và giải BĐ nội vẫn chưa hấp dẫn đến mức khán giả phải trả tiền để mua quyền được xem. Có thể thấy qua sự việc K+ độc quyền giải Ngoại hạng Anh gây nên sự phản đối kịch liệt, trong khi VTV chuyển sang phát V-League trên kênh VTV2 và các kênh truyền hình cáp, chẳng mấy người xem quan tâm.

 

Truyền hình trực tiếp một trận đấu tại V-League.

Nhưng bỏ qua chuyện VFF bán bản quyền truyền hình bóng đá trong nước cho AVG (một kênh truyền hình mà cho đến giờ vẫn chưa thấy mặt mũi, chưa có hạ tầng và hệ thống truyền dẫn, trong khi V-League và giải hạng Nhất 2010 chỉ còn 3 tuần nữa sẽ khởi tranh) là mắc hay rẻ, lợi hay hại; thì sự việc này đang gây băn khoăn, đe dọa đến quyền lợi người xem, đặc biệt là đối với người dân ở các địa phương có đội bóng tham gia. Điều lệ 2 giải ghi rõ: "Bản quyền truyền hình các trận đấu của giải VĐQG Eximbank 2011 và giải hạng Nhất thuộc về LĐBĐVN, chỉ có LĐBĐVN mới có quyền thương thảo và ký kết các hợp đồng Bản quyền truyền hình trên mọi phương tiện truyền thông, truyền hình"; đáng lưu ý, VFF quy định: "Cán bộ, nhân viên của Đài truyền hình có bản quyền truyền hình trực tiếp trận đấu mới được phép vào sân để tác nghiệp". Ở đây có 2 vấn đề đặt ra: thứ nhất, với những trận đấu mà AVG không buồn trực tiếp thì sao (trường hợp này sẽ rơi vào các trận đấu giữa 2 CLB ít tiếng tăm hoặc không mang nhiều ý nghĩa ở V-League và chắc chắn sẽ là phổ biến ở giải hạng Nhất), vậy thì người dân địa phương ở các huyện, vùng sâu vùng xa, không có điều kiện đến sân, sẽ xem đội nhà của mình ở đâu, nếu từ đây các Đài TH địa phương không còn trực tiếp nữa? Thứ 2, phải hiểu sao về quy định "chỉ người của Đài TH có bản quyền mới được phép vào sân để tác nghiệp" là như thế nào? Các Đài TH khác (kể cả đài quốc gia và địa phương) có được vào sân tác nghiệp để đưa tin, làm phóng sự về trận đấu hay không? Nếu không làm rõ 2 vấn đề này, có nguy cơ BĐVN sẽ tự đóng cửa, tách rời với xã hội, dư luận mà chỉ còn là cuộc chơi "nội bộ" của VFF và AVG. Nhưng khi ấy chịu thiệt thòi và mất mát nhiều nhất lại chính là các CLB, bởi sẽ chẳng còn "hậu phương lớn" (người dân địa phương) hậu thuẫn, chống lưng.

Trần Hải