Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 2, 14/04/2025, 08:20 En

Chuyện cuối năm: Năm mới lên chuyên vẫn cửa quyền

09:12, 29/12/2010

Sau tròn 10 năm tổ chức V-League thử nghiệm mô hình bán chuyên nghiệp, Liên đoàn BĐVN (VFF) và Ban tổ chức (BTC) khẳng định giải vô địch quốc (VĐQG) 2011 sẽ chính thức lên chuyên. Tuy nhiên, tính chuyên nghiệp thực sự này chưa rõ mặt mũi ra sao mà người ta thấy điều lệ giải có những quy định rất là... hội làng.

Sau tròn 10 năm tổ chức V-League thử nghiệm mô hình bán chuyên nghiệp, Liên đoàn BĐVN (VFF) và Ban tổ chức (BTC) khẳng định giải vô địch quốc (VĐQG) 2011 sẽ chính thức lên chuyên. Tuy nhiên, tính chuyên nghiệp thực sự này chưa rõ mặt mũi ra sao mà người ta thấy điều lệ giải có những quy định rất là... hội làng. VFF thường than phiền các CLB, cầu thủ hành xử thiếu chuyên nghiệp nhưng cái điều lệ này lại thể hiện đậm chất cửa quyền. Nên nhớ, VFF là một tổ chức xã hội chứ không phải cơ quan quản lý Nhà nước và V-League cũng như giải hạng Nhất là 2 giải đấu chính thức trong hệ thống thi đấu quốc gia, chứ không phải một giải phong trào "hùn tiền" nhau đá; thế nhưng, điều lệ cả 2 giải đều mang nặng tính áp đặt, mệnh lệnh, chỉ thấy quyền lợi của BTC mà các CLB chỉ có buộc phải tuân theo.

 

Rõ nhất là ở góc độ kinh tế, quyền lợi thì thuộc về BTC, VFF, còn trách nhiệm, nghĩa vụ thì thuộc về các thành viên tham dự giải. Cụ thể, hợp đồng tài trợ của ngân hàng Eximbank cho giải VĐQG trị giá kỷ lục 90 tỷ đồng trong 3 năm, kể từ mùa bóng mới 2011, tức 1 năm 30 tỷ đồng, cộng với 6 tỷ đồng tiền bản quyền truyền hình từ AVG, BTC V-League thu 36 tỷ đồng, đó là chưa kể các hợp đồng đặt bảng quảng cáo trên sân. Tương tự là giải hạng Nhất với sự tài trợ của Tôn Hoa Sen, tuy có thấp hơn, nhưng nguồn thu cũng là rất đáng kể.

 

Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn trao Bảng danh vị cho ông Trương Hữu Phước - đại diện Nhà tài trợ Eximbank.

  

Theo thông lệ BĐ quốc tế và đúng là BĐ chuyên nghiệp (như VFF tuyên bố) khi đã có khả năng làm ra tiền thì tất cả nguồn thu từ giải phải được phân chia lại cho mọi thành viên tham gia, làm nên giải đấu (tất nhiên theo một tỷ lệ hợp lý); nhưng nghịch lý ở đây là các CLB V-League phải nộp ngược lại cho BTC cái gọi là "lệ phí" nhưng lên tới 500 triệu đồng (điều lệ còn nhấn mạnh là "chẵn") cho VFF, còn mỗi CLB hạng Nhất phải nộp 200 triệu đồng... "chẵn" thì mới được chơi. Với những đội bóng nhà nghèo, kinh phí eo hẹp dựa vào nguồn ngân sách địa phương chủ yếu để duy trì tồn tại lay lắt thì con số này là rất "xót"!

 

Tính cả số tiền "lệ phí" các CLB phải đóng này, VFF đã thu thêm từ giải VĐQG 7 tỷ đồng, còn giải hạng Nhất là gần 3 tỷ nữa. Trong khi tổng giải thưởng V-League 2011 dù được coi là đã tăng kỷ lục (3 tỷ đồng cho chức VĐ) cũng chỉ hơn 6 tỷ rưỡi (tức chưa bằng số lệ phí 14 CLB nộp vào). Như vậy, khoản thu 36 tỷ đồng từ nguồn tài trợ chính và bản quyền truyền hình (chưa kể các hợp đồng quảng cáo khác) là lãi ròng. Nguồn lợi này đi vào đâu và được sử dụng ra sao?

 

Nhưng đâu chỉ phải đóng hàng trăm triệu để chơi, các CLB còn phải chịu hàng trăm thứ chi phí khác khi thi đấu trên sân nhà. Thu như vậy nhưng VFF vẫn bắt các đội bóng phải tiếp tục gánh chịu mọi khoản chi cho các thành viên làm nhiệm vụ cho BTC. Đây là một khoản không nhỏ chút nào khi đội chủ nhà phải lo toàn bộ chi phí ăn, ở, đi lại cho 1 thành viên của Ban chỉ đạo (hoặc BTC), cùng 2 giám sát, 4 trọng tài; với chế độ ăn, ở 400.000đ/người/ngày (sau thuế) x 4 đến 8 ngày (rồi nào  là tiền ăn trở về địa phương nếu đó là trận đấu cuối cùng của một đợt hoặc của mỗi người, tiền di chuyển đến, đi...). Trong khi đó, các CLB còn phải chi thuê 4 máy ghi hình (chủ yếu là để phục vụ BTC khi có sự cố), chi phí cho công tác tổ chức, phục vụ trận đấu, chi phí in vé...

 

Rõ ràng là cuộc chơi "chuyên nghiệp" này quá thiếu sòng phẳng!

Đông Kha

               

 

 

Tin xem nhiều