Giới hâm mộ lại được chứng kiến một cơn mưa bàn thắng nữa ở vòng 6, có đến 20 lần lưới các đội rung lên (trừ trận XMHP - Đồng Tháp).
Giới hâm mộ lại được chứng kiến một cơn mưa bàn thắng nữa ở vòng 6, có đến 20 lần lưới các đội rung lên (trừ trận XMHP - Đồng Tháp). Đáng chú ý lần này, tác giả không phải là 2 "cánh chim lạ" sở hữu hai hat-trick đầu tiên của giải: Timothy của Đồng Tháp và Jonathan của Thanh Hóa, mà là sự lên tiếng của những chân sút khét tiếng đã thành danh. Sau khi lập cú đúp vào lưới QK4 ở vòng 5, "vua phá lưới" đồng thời là cầu thủ ngoại xuất sắc nhất của V-League 2008, Almeida đã làm tiếp cú hat-trick mang về chiến thắng "5 sao" hoành tráng của Đà Nẵng ngay trên sân Thanh Hóa. Còn ở Nghệ An, tiền đạo Lazora - nỗi kinh hoàng của các đội hạng Nhất năm ngoái với 13 lần phá lưới - lại lập cú đúp cho QK4 góp phần quyết định vào chiến thắng trước Nam Định. Vậy là ngôi "vua phá lưới" đã đổi chủ, với cùng 6 bàn thắng Almeida và Lazora chính thức truất ngôi của Timothy và Jonathan đã chiếm giữ suốt 5 vòng đầu tiên trước đó.
Đó là các dấu ấn cá nhân, còn trên cục diện đường đua, vòng 6 V-League cũng đánh dấu ngôi vương đổi chủ. Lần thứ 2 chỉ trong 1 tuần lễ, Đà Nẵng lại có một cuộc "hủy diệt" đối phương bằng 5 bàn thắng (chỉ trong 2 trận vừa qua họ đã ghi được số bàn thắng gấp 5 lần so với cả 4 trận trước đó). Không ai dám nghĩ sân Thanh Hóa vốn nổi tiếng là "đất dữ" của các đội khách lại chứng kiến một thảm bại trắng đến 0-5 cho đội chủ nhà. Chiến thắng của Đà Nẵng in đậm dấu giày của cả 3 ngoại binh, nhưng trong hoàn cảnh hàng loạt vị trí trụ cột bị chấn thương, sự trưởng thành của các cầu thủ trẻ như Văn Mẹo là rất đáng ghi nhận. Với trận thắng thứ 4 (và là thứ 3 liên tiếp) CLB của Lê Huỳnh Đức từ hạng 4 đã bứt hẳn lên đoạt ngôi đầu khi Nam Định còn chưa kịp ngồi ấm chỗ. Tuy nhiên, có bước thăng tiến vượt bậc lại là tân binh QK4. Chiến thắng 3-2 trước đội đầu bảng Nam Định sau khi dẫn trước đến 3-0 trong hiệp I, đã đưa đội bóng lính nghèo này nhảy một lúc 5 bậc, từ thứ 9 lên vị trí hạng 5, cùng 9 điểm với Khánh Hòa và chỉ kém HAGL, Nam Định1 điểm. Đàn anh của QK4, Thể Công cũng có cải thiện thứ hạng đáng kể sau trận thắng thứ 2 sít sao trước Khánh Hòa để vươn lên giữa bảng xếp hạng.
Ở chiều ngược lại, để rơi cơ hội đáng tiếc nhất có lẽ là HAGL. Tưởng như trận đầu tiên chính thức cầm quân trên cương vị HLV trưởng của ông Chatchai đã kết thúc bằng một chiến thắng trọn vẹn sau khi Sakda vừa trở lại sau án treo giò đã sớm ghi bàn cho chủ nhà. Nhưng một cầu thủ Thái nhập tịch khác của HAGL là Nirut đã vất bỏ chiến tích đầu tiên của ông thầy bằng pha đốt lưới nhà. Một đội chủ nhà khác: XMHP cũng tiếc hùi hụi khi cũng mất 2 điểm trước Đồng Tháp bởi các chân sút bỏ lỡ quá nhiều cơ hội, trong đó có cả quả 11m. Nhưng điều quan trọng là XMHP không còn chất lửa hừng hực trong lối chơi (và cả trên khán đài Lạch Tray) như dưới thời HLV Vương Tiến Dũng năm rồi, có vẻ như họ đang trở lại nguyên hình là một đội hạng trung. Tụt lại thê thảm nhất sau vòng này là T&T Hà Nội, thất bại trước TP.Hồ Chí Minh khiến họ rơi tự do từ hạng 5 xuống tít hạng 10. Còn trận cầu đinh được chờ đợi giữa đương kim á quân và nhà vô địch lại có chất lượng không thực sự cao dù đúng với truyền thống đối đầu giữa ĐTLA và Bình Dương thế trận hết sức cởi mở. Ngoài 4 bàn thắng chia đều cho đôi bên (trong đó tiền đạo tuyển thủ quốc gia Việt Thắng cuối cùng đã lên tiếng bằng cú đúp ở phút cuối cùng của hiệp I và...phút đầu tiên của hiệp II), cả ĐTLA và Bình Dương đều không thể hiện được sức mạnh vốn có làm nên tên tuổi của họ. Vẫn chưa có được một chiến thắng kể từ sau ngày khai mạc giải, đương kim vô địch Bình Dương tiếp tục cùng với XMHP chôn chân ở đáy bảng. Tuy nhiên, cục diện đường đua vẫn hết sức giằng co, Bình Dương, XMHP vẫn còn một trận trong tay để vươn lên, trong khi ở phía trên hiện có đến 5 đội cùng 8 điểm, trong đó Thể Công, SLNA, Đồng Tháp cùng cả hiệu số +1. Còn ngay sau lưng Đà Nẵng, Nam Định và HAGL không chỉ cùng 10 điểm mà còn "giống nhau như đúc" với cùng 7 bàn thắng và 7 lần bị thủng lưới.
Trần Hải