Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhìn lại vòng bảng của đội tuyển Việt Nam:
Đó đâu phải diện mạo thật của chúng ta

09:12, 15/12/2008

Không kể Lào và Campuchia, trong số 4 đội vào bán kết có thể nói Việt Nam (VN) là đội đá thiếu đường nét, nhợt nhạt, kém thuyết phục nhất, thậm chí so với 2 đội bị loại là Myanmar và Malaysia. Có cái gì đó khiến các cầu thủ chúng ta bỗng dưng mất tự tin, ức chế một cách khó lý giải như hồi đội U.23 ở SEA Games năm ngoái.

Công Vinh tịt ngòi mấy trận qua nhưng vẫn được HLV Calisto tin tưởng.

Không kể Lào và Campuchia, trong số 4 đội vào bán kết có thể nói Việt Nam (VN) là đội đá thiếu đường nét, nhợt nhạt, kém thuyết phục nhất, thậm chí so với 2 đội bị loại là Myanmar và Malaysia. Có cái gì đó khiến các cầu thủ chúng ta bỗng dưng mất tự tin, ức chế một cách khó lý giải như hồi đội U.23 ở SEA Games năm ngoái.

 

Nếu chỉ căn cứ vào kết quả thì có lẽ đội tuyển (ĐT) chúng ta không có vấn đề gì ! 2 trận thắng, ghi 7 bàn, còn trong 4 bàn thua thì một từ pha việt vị, một từ sai lầm tai hại của thủ môn và 2 bàn còn lại đối phương chỉ đưa được bóng vào lưới chúng ta nhờ đá phạt (trong đó một tình huống lại cũng do lỗi cá nhân thủ môn). Vậy thì vì sao tuyệt đại bộ phận giới chuyên môn và người hâm mộ đều bày tỏ sự lo lắng, không hài lòng. Đó là lối chơi, diện mạo của ĐT. Cứ như không phải một tập thể đã đứng chung với nhau nhiều năm và cùng tập suốt gần 3 tháng trời. Cả 3 tuyến đều có vấn đề: hàng hậu vệ bọc lót và kèm người đều loạng choạng; tiền vệ không cầm được bóng tổ chức, phối hợp vụn vặt, manh mún; tiền đạo mất hút. Khả năng tranh chấp kém, để mất bóng, chuyền sai địa chỉ quá nhiều.

 

Nhưng trình độ cầu thủ chúng ta có phải chỉ vậy? Cá nhân người viết cho rằng đó không phải là bộ mặt thật của ĐT (chí ít là so với những gì đã từng thể hiện ở T&T Cup và 2 trận gặp Singapore (SGP). Cái gốc của vấn đề là nằm ở cái đầu, bản lĩnh tâm lý. Cần phân biệt giữa yếu tố tinh thần và tâm lý. Tinh thần chiến đấu của ĐTVN 3 trận qua là có thừa (thậm chí đây là điểm mà HLV Peter Reid của TL và Avramovic của SGP đặc biệt e ngại), tuy nhiên tâm lý lại vô cùng kém cỏi. Nói một cách khác, các tuyển thủ VN thừa quyết tâm nhưng lại thiếu tự tin để cụ thể hóa quyết tâm ấy thành lối chơi, kết quả, biến tinh thần thành sức mạnh vật chất. Người Thái biết rõ tâm lý cầu thủ VN rất yếu khi không có chỗ dựa tinh thần sân nhà, nhất là ở những trận đấu quan trọng, nên họ đã chủ động chơi áp sát quyết liệt, đá rát, sẵn sàng phạm lỗi (chỉ ở giữa sân) và dùng tiểu xảo nhằm gây ức chế, khiêu khích. Và các tuyển thủ chúng ta đã dễ dàng sập bẫy, đánh mất tự chủ (2 thẻ vàng cùng việc mất tập trung ở tình huống đá phạt dẫn đến bàn thua đầu tiên là hậu quả). Sang trận gặp Malaysia trước sức ép buộc phải thắng, sự thiếu tự tin và tâm lý kém càng bộc lộ rõ khi hầu như tất cả - ngoại trừ Thành Lương và sau đó Vũ Phong - đều rơi vào "trạng thái" (ngay những tuyển thủ dày dạn chinh chiến như Tài Em, Minh Phương cũng căng thẳng, "cóng" chân đến mức chỉ nhăm nhăm "tống tháo" trái bóng khỏi chân, cách đồng đội...1m, 2m họ cũng chuyền) thì làm sao có thể tỉnh táo phối hợp, tổ chức lối chơi nói gì đến sáng tạo, ngẫu hứng. Có thể do sức ép quá nặng từ chuỗi trận bất khả chiến thắng quá dài hay còn do những yếu tố nào khác? Nhưng một đội tuyển không chịu nổi và biết vượt qua sức ép, yếu đuối như vậy làm sao có thể làm nên chuyện lớn?

 

Thôi thì hãy bỏ lại mọi thứ sau lưng, vấn đề quan trọng là chúng ta đã vào bán kết, chuỗi trận không thắng cũng đã kết thúc ở con số 11. Hy vọng, sức nóng cuồng nhiệt trên sân Mỹ Đình tối mai sẽ là nguồn sức mạnh tinh thần (chứ đừng lại là sức ép) giúp thầy trò ông Calisto khai thông tất cả những năng lực tiềm tàng cùng trình độ vốn có, tạo tiền đề cho trận lượt về ở SGP mở ra cánh cửa vào chung kết.

Minh Chung

 

 

 

 

Tin xem nhiều