Hẳn xem trận bán kết lượt về tại Singapore (SGP), HLV Peter Reid và người Thái đã phải hỏi nhau cái anh chàng tiền đạo số 13 ghi bàn cho ĐTVN là tay quái nào vậy? Không chỉ các đối thủ mà ngay chính nhiều người VN, trong đó có cả giới chuyên môn, đã hết sức thắc mắc, hoài nghi, thậm chí phản đối khi HLV Calisto quyết định tung Quang Hải vào sân mà không phải là Thanh Bình hay Bảo Khanh
Hẳn xem trận bán kết lượt về tại Singapore (SGP), HLV Peter Reid và người Thái đã phải hỏi nhau cái anh chàng tiền đạo số 13 ghi bàn cho ĐTVN là tay quái nào vậy? Không chỉ các đối thủ mà ngay chính nhiều người VN, trong đó có cả giới chuyên môn, đã hết sức thắc mắc, hoài nghi, thậm chí phản đối khi HLV Calisto quyết định tung Quang Hải vào sân mà không phải là Thanh Bình hay Bảo Khanh. Tiền đạo Khánh Hòa này chỉ mới nổi lên từ giải U.22 năm rồi và đó lại là thời điểm "dầu sôi lửa bỏng", VN đang phải chịu sức ép nặng nề, hoàn toàn không thích hợp với một cầu thủ còn quá trẻ và non. Nhưng sau đó mọi người đều thừa nhận đây là nước cờ độc của ông "Tô". Hải là cầu thủ tích cực di chuyển gây rối hàng phòng thủ đối phương (giúp giải tỏa bớt sức ép) và dám cầm bóng, có tốc độ và khả năng chớp thời cơ nên đặc biệt nguy hiểm khi có khoảng trống (tình thế lúc ấy đã mở ra điều kiện này khi SGP đã nôn nóng dâng cao toàn bộ đội hình). Một quyết định cho thấy khả năng đọc trận đấu và hiểu rõ khả năng các học trò của nhà cầm quân (cũng chính Quang Hải từng là người thực hiện pha đột phá và đặt đường chuyền để Tài Em ghi bàn trong trận giao hữu hòa 2-2 tại SGP trước giải). Đó không phải là thành công đầu tiên từ sự thay người của ĐTVN tại AFF Cup này. Ở vòng bảng, sự xuất hiện của Vũ Phong (thay Tấn Tài) đã mang đến 2 bàn thắng trước Malaysia; trận gặp Lào hiệp II Việt Thắng thay Công Vinh cùng với Thành Lương vào sân mới khai thông đường vào khung thành; hay trường hợp Tấn Tài chơi cực hay ở trận bán kết lượt đi nhưng sang lượt về lại ngồi ngoài và khi vào sân thay người đã khởi xướng pha bóng thành bàn. Lần đầu tiên người ta thấy khái niệm dự bị chiến thuật ở ĐTVN. Không hề có ý định so sánh nhưng không thể không thấy sự khác biệt của ĐT. Nếu trước đây HLV Riedle luôn đóng khung đội hình trong 11, 12 gương mặt nên chỉ cần một vị trí bị chấn thương hay vì lý do nào đó vắng mặt lập tức lối chơi của đội xộc xệch, ảnh hưởng lớn. Ông Calisto thì xới tung đội hình, cho đến trước T&T Cup, trong 8 trận đấu mỗi trận lại gần như là một đội hình khác hẳn, thử nghiệm đủ kiểu đến mức khiến mọi người hoang mang không biết vị HLV người Bồ... muốn gì (?!) Bây giờ thì ai cũng đã thấy kết quả. Lần đầu tiên giữa các vị trí chính thức và dự bị của ĐT hầu như không có sự chênh lệch, ai cũng có thể có cơ hội tạo nên không khí cạnh tranh tích cực (ngay đội trưởng Minh Phương, nhân vật tưởng như không thể thay thế, cũng phải ngồi trên ghế dự bị suốt trong cả 2 trận bán kết sống còn để phục vụ cho đối sách trước người Sing) và quan trọng là giúp ĐT có nhiều phương án đánh khác nhau trước từng đối thủ, từng thời điểm (ở trận bán kết lượt đi Công Vinh chơi lùi rất sâu, lượt về lại dạt hẳn sang biên trái...).
Tuy nhiên, dấu ấn của HLV Calisto không chỉ ở khả năng đọc, điều chỉnh trận đấu cũng như dùng người mà còn ở lối chơi của ĐTVN. Từ sở trường tấn công biên dưới thời các HLV ngoại trước đây, ông Calisto đã kiên trì xây dựng lối đá nhỏ, phối hợp nhanh, tấn công trung lộ (vốn phù hợp với tố chất nhỏ nhưng khéo của các cầu thủ VN nhưng đòi hỏi kỹ năng chính xác và nhuần nhuyễn rất cao). Thay đổi cả một phong cách, thói quen vốn đã định hình, ăn sâu là điều hoàn toàn không dễ dàng, chính vì vậy những thử nghiệm của Calisto (như bố trí 2 tiền vệ cánh chơi nghịch vị trí chân thuận sở trường nhằm phục vụ ý đồ đánh vỗ mặt, xẻ nách...) đã vấp phải không ít hoài nghi, phản đối. Và bây giờ thì người ta phục ông vì sự dũng cảm dám đương đầu, kiên định theo đuổi đến cùng mục tiêu của mình. Bàn thắng quyết định đưa VN vào chung kết mang đúng nhãn hiệu "made in Calisto", đó là miếng đánh sở trường tiền đạo lùi về "đập, nhả" với tiền vệ rồi một đường thọc thẳng vào trung lộ hoặc chọc nách bất ngờ mà các cầu thủ đã được rèn giũa thành nếp sau cả trăm lần trong các buổi tập.
Đông Kha