Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho rằng, các chương trình ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Indonesia sẽ được Ấn Độ tiếp tục thúc đẩy với tư cách là Chủ tịch G20 từ tháng 12 năm nay.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho rằng, các chương trình ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Indonesia sẽ được Ấn Độ tiếp tục thúc đẩy với tư cách là Chủ tịch G20 từ tháng 12 năm nay.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali ngày 14-11-2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 20-12, phát biểu sau sự kiện “Đêm tri ân Chủ tịch G20”, bà Indrawati cho biết, trong số các chương trình ưu tiên này, Quỹ phòng chống đại dịch sẽ được sử dụng để tăng cường phòng ngừa, giảm thiểu và ứng phó với các đại dịch trong tương lai, bên cạnh các chương trình liên quan đến biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Indrawati nói thêm rằng, các chương trình ưu tiên khác của Indonesia với vai trò Chủ tịch G20 năm 2022 gồm chuyển đổi kỹ thuật số, xử lý khủng hoảng lương thực và năng lượng, tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CDBC) và thuế toàn cầu.
Bộ trưởng Indrawati, cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), nêu rõ Bộ Tài chính và Tập đoàn Điện lực nhà nước PLN sẽ theo dõi và giám sát các thỏa thuận khác nhau về Cơ chế Chuyển đổi năng lượng (ETM) đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào tháng 11 vừa qua, chẳng hạn như Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) trị giá 20 tỷ USD.
Trong khi đó, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Airlangga Hartarto kêu gọi tất cả các bên theo dõi và giám sát các cam kết đầu tư mà Indonesia đã đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua. Một số cam kết đầu tư tiêu biểu như các khoản tài trợ cho phát triển bền vững, năng lượng xanh và giao thông công cộng.
TTXVN