Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup ngày 1-8 nhấn mạnh sự cần thiết của việc "bình thường hóa" Hiệp định Đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) với Nhật Bản trong bối cảnh Seoul đang tìm cách tăng cường hợp tác an ninh 3 bên với Washington và Tokyo.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup ngày 1-8 nhấn mạnh sự cần thiết của việc “bình thường hóa” Hiệp định Đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) với Nhật Bản trong bối cảnh Seoul đang tìm cách tăng cường hợp tác an ninh 3 bên với Washington và Tokyo.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc được đề cử Lee Jong-su. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Tại phiên họp của Quốc hội, Bộ trưởng Lee khẳng định: “Chúng ta sẽ thực hiện điều đó (bình thường hóa GSOMIA) dựa trên một bản đánh giá toàn diện về việc liệu có cần thúc đẩy việc này ngay lập tức, hay nhìn từ một triển vọng rộng hơn của quan hệ Nhật - Hàn”.
Đáp lại những ý kiến cho rằng việc bình thường hóa GSOMIA cần chờ đến khi Nhật Bản dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghiệp quan trọng trong các lĩnh vực công nghệ của Hàn Quốc, ông Lee chỉ ra rằng việc hướng đến bình thường hóa sẽ đem lại lợi ích cho chính Hàn Quốc.
Số phận của GSOMIA đã trở nên bấp bênh từ tháng 8-2019 khi Seoul quyết định chấm dứt hiệp định này nhằm phản đối việc Tokyo thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình - biện pháp mà Tokyo dùng để trả đũa phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc năm 2018 buộc một doanh nghiệp Nhật Bản phải bồi thường 400 triệu won (350 ngàn USD) cho các công dân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng. Tuy nhiên, đến tháng 11-2021, chỉ vài giờ trước khi GSOMIA hết hiệu lực, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định gia hạn kèm theo một số điều kiện sau khi Mỹ đề nghị Seoul duy trì văn kiện được coi là công cụ nhằm tạo điều kiện cho hợp tác an ninh 3 bên này.
Quan hệ Nhật - Hàn có dấu hiệu khởi sắc khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhậm chức vào tháng 5 vừa qua với chủ trương thúc đẩy cải thiện quan hệ song phương với Tokyo.
TTXVN