Năm 2022 là Năm Hữu nghị ASEAN - Ấn Độ, đánh dấu mốc lịch sử đối với ASEAN và Ấn Độ: 30 năm hai bên thiết lập quan hệ đối tác và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược.
Năm 2022 là Năm Hữu nghị ASEAN - Ấn Độ, đánh dấu mốc lịch sử đối với ASEAN và Ấn Độ: 30 năm hai bên thiết lập quan hệ đối tác và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược. Mối quan hệ đối tác chiến lược này đã trở thành một trong những mối quan hệ phát triển nhanh nhất, năng động và toàn diện nhất của ASEAN. Như đánh giá của Vụ trưởng Vụ Phương Nam Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vivash Vidu Sapkal, quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ dựa trên nền tảng lịch sử, địa lý và văn minh chung, đồng thời được thúc đẩy bởi các ưu tiên chiến lược chung là thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
ASEAN và Ấn Độ đều nằm trong giao điểm chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sau khi thiết lập quan hệ đối tác vào năm 1992, ASEAN và Ấn Độ trở thành đối tác đối thoại vào năm 1996 và tiến tới đối tác chiến lược năm 2012 như một tiến trình tự nhiên trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai bên. Cơ chế hợp tác ASEAN - Ấn Độ ngày càng được củng cố và hoàn thiện. Ấn Độ trở thành thành viên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) năm 1996; các hội nghị cấp cao hằng năm giữa ASEAN và Ấn Độ được tổ chức từ năm 2002; Ấn Độ bắt đầu tham gia các cơ chế khác do ASEAN dẫn dắt như Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+)… Thông qua các cơ chế này, Ấn Độ đã thiết lập được chỗ đứng vững chắc trong cấu trúc đa phương ở châu Á - Thái Bình Dương do ASEAN chủ đạo.
Ngay trong năm đầu tiên lên nắm quyền (2014), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã quyết định đổi tên chính sách “Hướng Đông” được thông qua năm 1991 thành “Hành động hướng Đông”, đặt ưu tiên cao nhất tăng cường quan hệ với ASEAN, bởi ASEAN nằm ở vị trí trung tâm của khu vực địa chính trị và địa kinh tế quan trọng bậc nhất thế giới, với những lợi thế vốn có về nhân lực, tiềm lực kinh tế và tiềm năng phát triển, nguồn tài nguyên phong phú và thị trường rộng lớn. Ấn Độ đã chủ động xây dựng các cơ chế hợp tác đa phương như: Sáng kiến vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa ngành (BIMSTEC), Hiệp hội vành đai Ấn Độ Dương (IORA), cho phép thu hút sự tham gia của các nước thành viên ASEAN và thúc đẩy đa dạng hóa hợp tác ASEAN - Ấn Độ.
TTXVN