Ngày 5-5, Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật chống độc quyền nhằm ngăn chặn Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, dàn xếp việc hạn chế nguồn cung để tăng giá dầu thô trên toàn cầu.
* Giá dầu thế giới tiếp tục đà đi lên
Ngày 5-5, Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật chống độc quyền nhằm ngăn chặn Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, dàn xếp việc hạn chế nguồn cung để tăng giá dầu thô trên toàn cầu.
Một trạm xăng ở Essen, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN |
Dự luật Không liên kết các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu (NOPEC) do các nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Thượng viện Mỹ bảo trợ. Dự luật này cần được Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua và Tổng thống Joe Biden ký ban hành thành luật. Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật với 17 phiếu thuận và 4 phiếu chống.
Nếu được 2 viện Quốc hội thông qua, NOPEC sẽ cho phép Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khởi kiện OPEC hoặc các quốc gia thành viên của tổ chức này ra tòa án liên bang nếu nhận thấy có hành vi dàn xếp để "thổi" giá dầu. Các nước đối tác của OPEC trong OPEC+ cũng có thể bị kiện. Như vậy, NOPEC sẽ thay đổi luật chống độc quyền hiện hành ở Mỹ, qua đó thu hồi quyền miễn trừ tư pháp lâu nay bảo vệ OPEC cũng như các công ty dầu mỏ quốc gia thuộc tổ chức này khỏi các vụ kiện.
Saudi Arabia và các nước sản xuất dầu mỏ khác thuộc OPEC đã từ chối yêu cầu của Mỹ về việc tăng sản lượng để giảm giá dầu, trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu hồi phục sau đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine khiến giá dầu tăng vọt. Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 5-5, OPEC+ nhất trí duy trì các kế hoạch hiện nay về mức tăng sản lượng dầu, theo đó tăng ở mức vừa phải 432 ngàn thùng/ngày trong tháng 6-2022.
* Giá dầu thế giới tiếp tục đà đi lên trong phiên giao dịch 5-5 do lo ngại về thiếu hụt nguồn cung sau khi Liên minh châu Âu (EU) đưa ra đề xuất về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm cả lệnh cấm nhập khẩu dầu.
Tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6 tăng 45 cent Mỹ, tương đương 0,4% lên 108,26 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London (Anh), giá dầu Brent giao tháng 7 tăng 76 cent Mỹ, tương đương 0,7%, lên 110,90 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất của dầu WTI kể từ ngày 25-3 và cũng là mức đóng cửa cao nhất đối với dầu Brent kể từ ngày 18-4.
Mặc dù vậy, áp lực từ đồng USD mạnh đã phần nào giữ giá dầu trong tầm kiểm soát. Cụ thể, chỉ số đồng USD, đo lường giá trị của đồng bạc xanh so với một rổ tiền tệ bao gồm 6 loại tiền tệ khác nhau, tăng 1,14% lên 103,7540 vào cuối phiên giao dịch 5-5. Thông thường, giá dầu có quan hệ tỷ lệ nghịch với giá USD.
Giá dầu tăng trong bối cảnh Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) sẽ thực hiện từng bước lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong vòng từ 6-8 tháng. Lệnh cấm vận dầu mỏ của EU có thể sẽ buộc Nga phải chuyển hướng dòng chảy sang châu Á và cắt giảm mạnh sản lượng, trong khi EU sẽ phải cạnh tranh để có được nguồn cung sẵn có còn lại. Cả hai yếu tố này đều có khả năng đẩy giá dầu thô tăng lên.
TTXVN