Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Emmanuel Macron nhậm chức Tổng thống Pháp nhiệm kỳ thứ 2

09:05, 08/05/2022

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, ngày 7-5, ông Emmanuel Macron đã chính thức nhậm chức Tổng thống Pháp nhiệm kỳ thứ 2 tại Điện Elysée, trước sự chứng kiến của khoảng 450 khách mời, bao gồm đại diện của các cơ quan lập hiến, các tổ chức tôn giáo, các tổ chức công đoàn và giới chủ doanh nghiệp, cũng như Thủ tướng Jean Castex và các thành viên chính phủ mãn nhiệm.

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, ngày 7-5, ông Emmanuel Macron đã chính thức nhậm chức Tổng thống Pháp nhiệm kỳ thứ 2 tại Điện Elysée, trước sự chứng kiến của khoảng 450 khách mời, bao gồm đại diện của các cơ quan lập hiến, các tổ chức tôn giáo, các tổ chức công đoàn và giới chủ doanh nghiệp, cũng như Thủ tướng Jean Castex và các thành viên chính phủ mãn nhiệm.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ 2, trái) duyệt đội danh dự tại lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 ở Paris, ngày 7-5. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ 2, trái) duyệt đội danh dự tại lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 ở Paris, ngày 7-5. Ảnh: AFP/TTXVN

Hai cựu Tổng thống Pháp là ông Nicolas Sarkozy và ông François Hollande đã tới tham dự sự kiện này. Đệ nhất phu nhân Brigitte Trogneux và các thành viên trong gia đình cũng như bạn bè thân thiết của ông Macron cũng có mặt tại buổi lễ.

Đúng 11 giờ ngày 7-5 giờ địa phương, ông Emmanuel Macron bước vào hội trường lớn của Điện Elysée trong tiếng kèn đồng của dàn hợp xướng và sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo khách mời. Bắt đầu buổi lễ, Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Laurent Fabius đã công bố lại kết quả bầu cử Tổng thống Pháp năm 2022, khẳng định ông Macron đã chính thức giành được 18.779.641 phiếu ủng hộ để tiếp tục một nhiệm kỳ mới.

Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, Tổng thống tái đắc cử Emmanuel Macron tuyên bố: “Mỗi ngày làm việc trong nhiệm kỳ này, tôi sẽ chỉ có một mục tiêu làm kim chỉ nam, đó là phục vụ. Phục vụ đồng bào, bằng tất cả nghĩa vụ và tình yêu Tổ quốc. Phục vụ con em chúng ta và lớp trẻ, những đối tượng mà tôi đang nghĩ tới lúc này và tôi cam kết sẽ giúp họ kế thừa một hành tinh đáng sống hơn và một nước Pháp sống động hơn và mạnh mẽ hơn. Nền Cộng hòa muôn năm và nước Pháp muôn năm!”

Sau bài phát biểu ngắn gọn nhưng mạnh mẽ và ấn tượng, Tổng thống Emmanuel Macron đã đến chào các vị khách mời, trước khi có mặt tại khuôn viên rộng lớn của Điện Elysée để duyệt đội hình danh dự trong giai điệu hùng tráng của bài quốc ca La Marseillaise và 21 phát đại bác chào mừng.

Khác với năm 2017, buổi lễ diễn ra ngắn gọn hơn vì không có lễ chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống mãn nhiệm và tân Tổng thống, cũng không có sự bàn giao các bí mật quốc gia giữa người đi trước và người đến sau. Ông Emmanuel Macron là Tổng thống tái đắc cử đầu tiên kể từ năm 2002 ở nước Pháp. Với sự hiện diện cùng lúc của ông Nicolas Sarkozy và ông François Hollande, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp có hai cựu tổng thống tham dự lễ nhậm chức của một chủ nhân Điện Elysée.

Tổng thống thứ 8 của nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp bước sang nhiệm kỳ mới với một nước Pháp chia rẽ sâu sắc. Thời điểm nhậm chức của ông Macron cũng là lúc kinh tế - xã hội Pháp đang gặp vô vàn khó khăn. Ông sẽ phải đối diện với rất nhiều thách thức lớn cần giải quyết, trong đó có tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, giá cả không ngừng leo thang, sức mua giảm, ngân sách thâm hụt nặng, nợ công rất cao, chưa kể nhiều lĩnh vực cần cải cách, nhất là hưu trí, y tế, giáo dục và an ninh.

Về đối ngoại, thách thức gai góc nhất là các vấn đề liên quan đến xung đột tại Ukraine và quan hệ với Nga. Củng cố sức mạnh quân sự, tăng cường khả năng tự chủ chiến lược của Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh cấu trúc an ninh khu vực và cục diện địa chính trị thế giới có nhiều xáo trộn cũng là nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với ông Macron trong nhiệm kỳ thứ hai này.

Do vậy, việc đầu tiên Tổng thống tái đắc cử Emmanuel Macron sẽ phải làm sau lễ nhậm chức là thành lập một nội các mới và bổ nhiệm Thủ tướng mới để bắt tay ngay vào các chương trình cải cách quan trọng trong 5 năm tới, nhất là các dự án chuyển đổi xanh đầy tham vọng mà ông đã nêu trong cương lĩnh tranh cử.

Tiếp theo, Tổng thống Macron sẽ phải nỗ lực hết sức để đảng trung dung Cộng hòa Tiến bước của ông giành được đa số, trên tổng số 577 ghế của Quốc hội, trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6 tới, để đảm bảo các chính sách cải cách của ông, được thực thi thuận lợi nhất. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng, vì các đảng cánh tả và cánh hữu đang liên minh tạo thành một cuộc đua tam mã chưa từng có để giành lợi thế tối đa trong cuộc bầu cử này.

TTXVN

Tin xem nhiều