Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 30 và 31-5 nhằm đánh giá và thảo luận tình hình khủng hoảng ở Ukraine, hợp tác quốc phòng, chi phí năng lượng và an ninh lương thực.
* Đức lo ngại về sự rạn nứt của EU
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 30 và 31-5 nhằm đánh giá và thảo luận tình hình khủng hoảng ở Ukraine, hợp tác quốc phòng, chi phí năng lượng và an ninh lương thực.
Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU tại Brussels, Bỉ, ngày 24-2-2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Sau vòng trừng phạt thứ 6 của phương Tây đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ đánh giá hiệu quả của các biện pháp trừng phạt.
Trong khuôn khổ các vòng trừng phạt trước đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất cấm Nga xuất khẩu dầu mỏ vào châu Âu, như tuyên bố của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen ngày 4-5. Trong thư mời các nguyên thủ quốc gia và chính phủ châu Âu tham dự hội nghị thượng đỉnh bất thường này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh EU sẽ tiếp tục gây áp lực lên Nga.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng sẽ thảo luận về cách thức tốt nhất để tổ chức sự hỗ trợ của EU nhằm tái thiết Ukraine. Cuộc thảo luận này sẽ diễn ra với sự tham gia của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky qua cầu truyền hình.
Chương trình “Cổng toàn cầu” của EU (Global Gateway) cũng nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị. Theo ông Werner Hoyer, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu, nhờ việc triển khai chiến lược Cổng toàn cầu, EU sẽ giúp Ukraine tái thiết sau chiến tranh, thông qua việc phục hồi cơ sở hạ tầng đường sá và y tế.
Đối mặt với chi phí năng lượng cao và sự gián đoạn thị trường năng lượng thế giới do xung đột Nga - Ukraine, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ xem xét khả năng thông qua kế hoạch REPowerEU do EC trình bày vào ngày 18-5. Kế hoạch này nhằm đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng, tăng cường tiết kiệm năng lượng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Kế hoạch REPowerEU sẽ cho phép các nước thành viên EU giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Xung đột Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng đến giá lương thực, vốn đã tăng theo cấp số nhân ở cả Ukraine và các nước khác trên thế giới phụ thuộc vào nguồn cung các sản phẩm của Ukraine. Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ thảo luận về những cách thức cụ thể để giúp Ukraine xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của mình, sử dụng cơ sở hạ tầng của EU.
Cuối cùng, 27 lãnh đạo các quốc gia thành viên EU sẽ tranh luận về các khoản đầu tư cần thiết cho quốc phòng để củng cố nền tảng công nghiệp và công nghệ của quốc phòng châu Âu.
Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck bày tỏ lo ngại sự đoàn kết của EU đang bắt đầu rạn nứt trước thềm hội nghị thượng đỉnh. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Habeck nhấn mạnh: "Xung đột tại Ukraine đã cho thấy châu Âu có khả năng gắn kết mạnh mẽ như thế nào. Với hội nghị thượng đỉnh ngày 30-5, chúng ta hy vọng sự đoàn kết đó sẽ được tiếp tục, nhưng nó đã bắt đầu rạn nứt trở lại".
Đã có sự bất đồng giữa các nước EU trong nhiều tuần qua về kế hoạch cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Hungary cho đến nay vẫn chưa sẵn sàng ủng hộ kế hoạch này, bởi Budapest phụ thuộc lớn vào nguồn cung dầu từ Nga trong khi chi phí chuyển sang các nhà cung cấp khác rất tốn kém. Hungary chỉ chấp thuận lệnh cấm vận nếu nhận được hàng tỷ euro viện trợ của EU hoặc có các quy định đặc biệt.
Sau rất nhiều tranh cãi, ngày 29-5, Ủy ban châu Âu đã đạt được một đề xuất mang tính thỏa hiệp để có thể hướng tới một lệnh cấm vận chuyển dầu mỏ của Nga bằng đường biển nhưng vẫn cho phép vận chuyển qua hệ thống đường ống Druzhba khổng lồ.
Đây được cho là một đề xuất thỏa hiệp nhằm có được sự ủng hộ của Hungary và khai mở các lệnh trừng phạt mới đối với Moskva. Tuy nhiên, theo các nguồn thạo tin, EU vẫn chưa thể đạt được đồng thuận về lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga và đại diện thường trực các nước EU tại Brussels (Bỉ) đang tiếp tục thảo luận về vấn đề này. Hy Lạp, Cyprus và Malta lập luận rằng, các quy định mới này đe dọa sự tồn tại của các công ty vận tải biển.
Theo thông tin từ EU, khoảng 1/3 tổng khối lượng dầu mỏ vận chuyển tới các nước EU qua hệ thống đường ống Druzhba. Hệ thống đường ống này cung cấp cho các nhà máy lọc dầu ở Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc cũng như ở Ba Lan và Đức, mặc dù Đức và Ba Lan đã công khai bày tỏ mong muốn độc lập với nguồn cung dầu của Nga vào cuối năm nay.
TTXVN