Trong cuộc họp trực tuyến ngày 8-5, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí gia tăng sức ép kinh tế đối với Nga, cam kết cấm hoặc loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga.
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 8-5, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí gia tăng sức ép kinh tế đối với Nga, cam kết cấm hoặc loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga.
Các nhà lãnh đạo G7 tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels, Bỉ ngày 24-3-2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị, G7 cam kết giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, trong đó có việc loại bỏ hoặc cấm nhập khẩu dầu. G7 khẳng định "sẽ thực hiện điều này một cách kịp thời, có trật tự và theo những cách để thế giới có đủ thời gian đảm bảo nguồn cung thay thế". Tuy nhiên, tuyên bố không nêu cụ thể cam kết của từng nước trong việc giảm phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ Nga.
Tuyên bố cũng cho biết, các nước thành viên G7 gồm: Anh, Canada, Đức, Italy, Mỹ, Nhật Bản và Pháp sẽ thực thi các biện pháp nhằm cấm hoặc ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ quan trọng mà Moskva phụ thuộc. Ngoài ra, G7 sẽ duy trì và tăng cường chiến dịch chống lại giới tinh hoa Nga, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người này.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố về nguyên tắc nước này sẽ cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Ông cho biết, đây là một quyết định khó khăn đối với một nước chủ yếu dựa vào nguồn năng lượng nhập khẩu như Nhật Bản, song "đoàn kết trong G7 hiện là điều quan trọng hơn bao giờ hết".
Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Nhật Bản nêu rõ, Tokyo sẽ xem xét thời gian giảm hoặc ngừng nhập khẩu dầu của Nga sau khi đánh giá thực tế và nước này sẽ dành thời gian để thực thi các bước hướng tới giai đoạn loại bỏ nhập khẩu dầu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Kishida đã tái khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraine và các nước láng giềng, đồng thời cảnh báo tác động lâu dài của cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine, coi đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hỗn loạn của kinh tế thế giới. Do đó, cộng đồng quốc tế cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương ứng phó với các thách thức về an ninh lương thực, an ninh năng lượng…
Cũng trong ngày 8-5, Văn phòng Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, nước này đang áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với 40 cá nhân Nga, trong đó có 19 người làm việc trong lĩnh vực quốc phòng. Bên cạnh đó, Văn phòng Thủ tướng Canada cũng công bố khoản hỗ trợ quân sự cho Ukraine trị giá 38,7 triệu USD, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt mới theo luật các biện pháp kinh tế đặc biệt (nhằm vào Nga).
Theo Chính phủ Canada, các hạn chế mới sẽ được xây dựng dựa trên các lệnh trừng phạt đã công bố ngày 27-4. Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 8-5 đã có chuyến thăm thủ đô Ukraine và gặp Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky.
TTXVN