Báo Đồng Nai điện tử
En

Bế mạc Khóa họp thường kỳ lần thứ 49 Hội đồng Nhân quyền LHQ

10:04, 04/04/2022

Hội đồng Nhân quyền (LHQ) vừa kết thúc khóa họp thường kỳ lần thứ 49 tại trụ sở LHQ ở Geneva, Thụy Sĩ. Khóa họp đã diễn ra trong 5 tuần (từ ngày 28-2 đến 1-4) theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của chính quyền sở tại.

* Đoàn Việt Nam tích cực tham gia phát biểu, tham vấn tại các phiên thảo luận và đối thoại

Hội đồng Nhân quyền (LHQ) vừa kết thúc khóa họp thường kỳ lần thứ 49 tại trụ sở LHQ ở Geneva, Thụy Sĩ. Khóa họp đã diễn ra trong 5 tuần (từ ngày 28-2 đến 1-4) theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của chính quyền sở tại.

Một cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Nguồn: telesurenglish)
Một cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Nguồn: telesurenglish)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, khóa họp đã diễn ra với 58 phiên họp. Bên cạnh phiên họp cấp cao (từ ngày 28-2 đến 2-3), trong khuôn khổ khóa họp, Hội đồng Nhân quyền đã tổ chức phiên thảo luận khẩn cấp về “Tình hình nhân quyền tại Ukraine”, hàng loạt phiên đối thoại, thảo luận về nhiều chủ đề của quyền con người và về tình hình nhân quyền tại một số nước như: Belarus, Iran, Venezuela, Syria, Myanmar, Sri Lanka, Nicaragua, Afghanistan, Campuchia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên; thảo luận, thông qua các báo cáo kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của 13 nước.

Kết thúc các phiên thảo luận, Hội đồng Nhân quyền đã thông qua 35 nghị quyết, trong đó có các nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Iran, Syria, Belarus, Nam Sudan, Triều Tiên, Myanmar và Mali; Nghị quyết về đảm bảo tiếp cận công bằng, kịp thời và toàn diện đối với vaccine Covid-19 trong ứng phó với đại dịch.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự khóa họp. Ngày 2-3, phát biểu tại phiên họp cấp cao mở đầu khóa họp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định Việt Nam mong muốn đóng góp vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người thông qua việc ứng cử làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 với thông điệp: “Tôn trọng lẫn nhau. Đối thoại và hợp tác. Bảo đảm tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”.

Cụ thể, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan để thúc đẩy các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền thông qua đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau; Việt Nam quan tâm đến việc bảo đảm quyền con người một cách toàn diện trên tất cả các khía cạnh, trong đó ưu tiên bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, bảo đảm quyền con người trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cũng từ góc độ quan điểm quốc gia, đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia phát biểu, tham vấn tại các phiên thảo luận và đối thoại, trong đó đề cao chính sách, sự tham gia hợp tác quốc tế và thành tựu của ta trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu tại nhiều phiên họp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva nhấn mạnh việc thực thi nhất quán và thành tựu nổi bật của Việt Nam về đảm bảo quyền con người và các quyền con người cụ thể như quyền nhà ở, quyền lương thực, quyền văn hóa…; kêu gọi các quốc gia và Hội đồng Nhân quyền tăng cường hợp tác và đối thoại để thúc đẩy thực chất quyền con người trên thực tế thay vì đưa ra các chỉ trích nhằm vào các quốc gia cụ thể dựa trên các thông tin thiếu chính xác và chưa được kiểm chứng đầy đủ.

Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam đã cùng nhóm nòng cốt về biến đổi khí hậu và quyền con người (Philippines và Bangladesh), với sự ủng hộ của 102 nước, đã có phát biểu chung, khẳng định các hành động hiệu quả trên toàn thế giới nhằm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của biến đổi khí hậu là hết sức cần thiết đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; kêu gọi sự hỗ trợ lớn hơn về tài chính và kỹ thuật cho các nước đang phát triển để giúp các nước này ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời, kêu gọi các thủ tục đặc biệt lưu ý xem xét vấn đề biến đổi khí hậu và quyền con người, kể cả các tác động của biến đổi khí hậu đối với thụ hưởng quyền con người, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật…

Ngoài ra, đoàn Việt Nam tích cực tham gia xây dựng nội dung các văn kiện, Nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền thông qua tại khóa họp lần này, trong đó nổi bật là Nghị quyết về đảm bảo tiếp cận công bằng, kịp thời và toàn diện đối với vaccine ngừa Covid-19 trong ứng phó với đại dịch.

Từ góc độ ASEAN, đoàn Việt Nam cùng các nước ASEAN có một số phát biểu chung của ASEAN tại một số phiên đối thoại, thảo luận về các chủ đề như tầm quan trọng của chính sách và dịch vụ công trong bảo vệ các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm góp phần phục hồi sau đại dịch Covid-19; đảm bảo các nước được tiếp cận với vaccine ngừa Covid-19 một cách công bằng và đầy đủ, kịp thời và với chi phí hợp lý; các thủ tục và cơ chế nhân quyền LHQ; hợp tác kỹ thuật và xây dựng năng lực.

Sự tham gia của đoàn Việt Nam tại khóa họp thể hiện tinh thần trách nhiệm, đối thoại và hợp tác tích cực, đề cao quan điểm, việc triển khai chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam, cũng như quan điểm, thành tựu chung của ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, góp phần cùng các nước đảm bảo hoạt động của Hội đồng Nhân quyền phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.    

TTXVN

Tin xem nhiều