Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, Đại hội đồng LHQ ngày 28-2 đã tổ chức phiên họp đặc biệt về cuộc khủng hoảng Ukraine.
* Mỹ bác đề xuất của Ukraine về việc thiết lập vùng cấm bay đối với Nga
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, Đại hội đồng LHQ ngày 28-2 đã tổ chức phiên họp đặc biệt về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Toàn cảnh phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ về cuộc xung đột Nga - Ukraine tại New York (Mỹ) ngày 28-2-2022. Ảnh: THX/TTXVN |
Phát biểu tại phiên họp ngay sau phút mặc niệm tưởng nhớ những người thiệt mạng trong cuộc xung đột tại Ukraine những ngày vừa qua, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh các bên phải chấm dứt giao tranh ngay lập tức, rút hết quân; lãnh đạo cần tiến hành đàm phán và cần bảo vệ người dân.
Ông Guterres cho biết, LHQ đã bổ nhiệm một điều phối viên phụ trách cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như chi ngân quỹ khẩn cấp và tăng cường nhân sự cho các hoạt động nhân đạo tại đây.
Về phần mình, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Abdullah Shahid nhấn mạnh, Hiến chương LHQ nêu rõ các nước thành viên phải giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực. Ông kêu gọi các bên chấm dứt bạo lực, tôn trọng luật nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế.
Sau khi 193 nước thành viên LHQ phát biểu ý kiến trong 3 ngày diễn ra phiên họp đặc biệt, Đại hội đồng sẽ tiến hành bỏ phiếu ngày 2-3 để thông qua một nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine. Nếu nhận được 70% phiếu ủng hộ, nghị quyết sẽ được thông qua. Tuy nhiên, các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ mang tính biểu tượng là chủ yếu, không có tính ràng buộc thực thi.
Đây là phiên họp đặc biệt mà LHQ mới chỉ tổ chức 11 lần như vậy trong 77 năm thành lập và phát triển. Phiên họp là cơ hội để 193 nước thành viên LHQ bày tỏ quan điểm của mình về cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra, cũng như lên tiếng thúc đẩy các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia vẫn nhắc lại quan điểm của Nga bác bỏ các cáo buộc của Kiev và các đồng minh, đồng thời khẳng định Nga tiến hành chiến dịch quân sự này để bảo vệ người dân Nga ở miền Đông Ukraine.
Phiên họp đặc biệt này được tổ chức theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ được thông qua sau cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an ngày 27-2 vừa qua.
* Ngày 28-2, Nhà Trắng đã bác đề xuất của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc thiết lập vùng cấm bay đối với các chuyến bay của Nga trên không phận Ukraine, đồng thời cho rằng việc Mỹ tham gia động thái như vậy tương đương với một cuộc xung đột trực tiếp với Moksva - điều mà Washington không mong muốn.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, việc thiết lập vùng cấm bay sẽ là bước tiến tới việc đưa quân đội Mỹ chống lại Nga, “có khả năng gây ra cuộc xung đột trực tiếp và có khả năng là một cuộc chiến tranh với Nga”. Đây là điều mà Mỹ không dự định làm. Bà Psaki cũng nêu rõ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rất rõ ràng rằng “ông không có ý định gửi quân tới tham chiến trong cuộc chiến với Nga”.
Khi được hỏi về việc thiết lập vùng cấm bay đối với các chuyến bay của Nga trên không phận Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng nêu rõ phương án này không được tính tới, đồng thời nhấn mạnh nhiều hãng hàng không của Mỹ vẫn phải bay qua Nga để tới châu Á.
Trong khi đó, cùng ngày, đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vassily Nebenzia tuyên bố Moskva coi việc Ukraine tiếp cận Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là “lằn ranh đỏ”, tuy nhiên Washington đã không đề cập tới vấn đề này cùng nhiều vấn đề khác. Ông Nebenzia nêu rõ: “Việc Ukraine gia nhập NATO đối với chúng tôi là giới hạn đỏ... Việc có cơ sở hạ tầng của NATO ở quốc gia đó sẽ buộc chúng tôi phải triển khai các biện pháp đáp trả tương tự”. Chính vì vậy, Moskva đã đề nghị Mỹ và NATO ký các thỏa thuận cung cấp bảo đảm an ninh cho Nga, song điều này đã bị từ chối.
TTXVN